Nan giải thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Lắk
Môi trường là tiêu chí thứ 17 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Sau gần 5 năm xây dựng NTM, huyện Lắk đang gặp phải những khó khăn nhất định trong thực hiện tiêu chí này...
Lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Lắk dọn rác thải trên Quốc lộ 27, đoạn qua thị trấn Liên Sơn. |
Đơn cử như ở xã Buôn Tría, mặc dù là xã điểm trong chương trình xây dựng NTM của huyện, nhưng đến nay cũng chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí (nhiều nhất huyện). Riêng tiêu chí môi trường được xác định là khó hoàn thành nên địa phương đã huy động các tổ chức, hội, đoàn thể tích cực vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện. Tuy nhiên đến thời điểm này, trong 5 chỉ tiêu về môi trường thì xã mới đạt được một chỉ tiêu là không có các hoạt động gây suy giảm môi trường. Theo ông Phạm Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Buôn Tría, đối với địa phương, việc thực hiện tiêu chí về môi trường, đặc biệt là trong việc xử lý và thu gom rác thải, nước sinh hoạt đúng quy định hiện nay vẫn đang là một trong những chỉ tiêu khó “cán đích”. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 82% (chưa đạt so với tiêu chuẩn); nghĩa trang vẫn chưa được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải vẫn chưa được thu gom và xử lý… Mặc dù xã đã có quy hoạch xây dựng nghĩa trang và bãi rác tập trung song vẫn chưa có nguồn kinh phí để xây dựng. Cũng chính vì vậy mà vấn đề xử lý rác thải ở các thôn trong xã vẫn thực hiện theo thói quen từ trước đến nay là đào hố để đổ rác.
Không chỉ ở Buôn Tría, các xã Đắk Nuê, Đắk Liêng…, ngoài cách đào hố chôn lấp rác thải thì người dân còn xử lý bằng cách vun vào rồi đốt, gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể rác còn được đổ tràn lan ra đường, nằm ngổn ngang dọc Quốc lộ 27 và các đoạn đường giao nhau giữa các thôn, buôn, gây mùi hôi khó chịu, làm ảnh hưởng đến mỹ quan thôn xóm. Bên cạnh tình trạng ô nhiễm từ rác thải thì việc người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi cũng là vấn đề đáng báo động. Đến các vùng nông thôn, rất dễ bắt gặp hình ảnh những chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật người dân sử dụng xong vứt bừa bãi trên nương rẫy, đồng ruộng, trong vườn nhà hay tình trạng sau khi phun thuốc, hầu hết đều rửa bình bơm và đổ thuốc thừa xuống các ao hồ, sông suối mà không ý thức bảo đảm an toàn nguồn nước. Một trong những bất cập phổ biến trên địa bàn các xã là hệ thống thoát nước thải chưa được chú trọng đầu tư. Do vậy, hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông, suối...
Ông Phạm Thanh cho rằng, việc thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn đang gặp nhiều trở ngại do thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cũng như nhận thức, ý thức chấp hành của người dân còn hạn chế. Chung quy lại cũng do kinh tế địa phương còn nghèo, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nếu không có sự đầu tư, vào cuộc của các ngành chức năng thì tiêu chí môi trường vẫn khó có thể hoàn thành. Còn ông Trần Danh Hiệp, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk thì trăn trở: Điều đáng buồn là đến thời điểm này chưa có xã nào đạt tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là tiêu chí môi trường rất khó thực hiện ngay khi đã có đầy đủ nguồn kinh phí hỗ trợ. Theo ông Hiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn huyện. Chẳng hạn như tập quán chăn nuôi của bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất lạc hậu. Hầu hết các hộ đều không xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, nếu có thì chỉ trong tình trạng tạm bợ, che chắn đơn sơ. Ban ngày thì thả rông gia súc, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi. Tối đến bà con nhốt gia súc, gia cầm ngay dưới gầm nhà sàn nên làm ô nhiễm nặng môi trường sống của chính gia đình mình và những hộ xung quanh. Hay như phong tục chôn cất người đã khuất của bà con người dân tộc thiểu số vẫn còn diễn ra theo từng dòng họ, gia đình. Khi có người thân mất đi, bà con đều đem tới nghĩa địa của dòng họ mình để chôn cất, thậm chí có gia đình còn chôn trên chính đất sản xuất, đất ở của gia đình mình. Ngoài việc ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân tập quán này còn gây khó khăn trong công tác quy hoạch, quy tập nghĩa trang…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc