Multimedia Đọc Báo in

Người cao tuổi xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar) phát huy vai trò "Nêu gương sáng"

09:00, 02/10/2015
Hội Người cao tuổi xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) hiện có 450 hội viên tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội thôn, buôn. Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Nêu gương sáng” trong phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm nhưng các hội viên người cao tuổi trên địa bàn xã Ea Kiết vẫn miệt mài lao động sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Cụ Trần Đăng Trầm ở thôn 8 là một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Năm nay đã 75 tuổi nhưng hằng ngày cụ vẫn luôn tay luôn chân với việc trồng rau xanh. Trên diện tích hơn 200 m2 cụ trồng đủ loại rau như: cải cay, xà lách, mướp…; bình quân mỗi ngày cụ có thu nhập hơn 200.000 đồng từ việc trồng rau. Cụ Trầm tâm sự: “Khi nào không còn sức nữa thì thôi chứ còn sức tôi vẫn sẽ làm việc. Nếu tôi không lao động chắc sức khỏe không được như hiện nay. Tôi bắt đầu trồng rau từ năm 2011, việc trồng rau không tốn nhiều vốn đầu tư, diện tích đất cũng không lớn, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, mỗi ngày chỉ bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ lao động… Có thể nói, việc trồng rau rất phù hợp với người cao tuổi, hằng năm từ mô hình này gia đình tôi cũng có thu nhập hơn 60 triệu đồng”.

Theo thống kê, Hội Người cao tuổi xã Ea Kiết có 200 hội viên vẫn trực tiếp tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế (chiếm trên 44,4% tổng số hội viên), trong đó có 4 cụ là chủ các trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh; gần 90 cụ đã được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương. Ông Bùi Đình Trường, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ea Kiết cho biết: “Thực hiện “Nêu gương sáng” trong phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, những hội viên còn sức khỏe thì trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, còn những hội viên sức khỏe yếu thì động viên, hướng dẫn con cháu về kinh nghiệm làm ăn. Trong làm kinh tế, các cụ đã ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa cây trồng trên một đơn vị diện tích, phá bỏ thế độc canh như: đưa thêm cây ăn trái và hồ tiêu vào trồng xen trong vườn cà phê…, nhờ vậy hiệu quả đem lại rất cao. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, các cụ còn hỗ trợ nhau về kỹ thuật và vốn để cải thiện cuộc sống. Tổng nguồn vốn các cụ giúp nhau thông qua hình thức “góp vốn” đã lên đến hơn 400 triệu đồng (đạt bình quân gần 890.000 đồng/hội viên), có hơn 100 cụ được tiếp cận với nguồn vốn vay. Tính đến nay, các hộ hội viên có điều kiện kinh tế khá, giàu chiếm tỷ lệ hơn 22,2% và số hộ thuộc diện nghèo chỉ còn 14 hộ (chiếm tỷ lệ 3,1%)”.

Bên cạnh đó, phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, các hội viên Hội Người cao tuổi xã Ea Kiết đã phát huy tốt vai trò trụ cột về tinh thần trong gia đình, dòng họ, giáo dục và dạy bảo con, cháu. Với uy tín và tinh thần nêu gương, các cụ cũng đã tích cực vận động các con, cháu và nhân dân trên địa bàn góp công, góp sức xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.