Nhân Ngày Phòng cháy chữa cháy (4-10)
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Trong những năm qua, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC và CNCH; Công điện số 967/CĐ-TTg ngày 20-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH. Đồng thời thành lập, củng cố Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới là tổ chức thực hiện công tác CNCH theo Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, hằng năm, Cảnh sát PC&CC tỉnh đều tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, Ngày “Toàn dân phòng cháy chữa cháy” 4-10; chỉ đạo các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC, Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Các chiến sĩ PCCC đang dập lửa trong vụ cháy trên đường Y Jút, TP. Buôn Ma Thuột vào chiều ngày 28-7-2014. Ảnh: Hoàng Gia |
Có thể nói, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến rõ nét, tích cực và đạt được những kết quả khả quan; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, CNCH ngày càng được nâng cao. Các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, cơ sở đã dần có ý thức trách nhiệm, quan tâm hơn đến công tác PCCC và CNCH, tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn PCCC; phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” được quan tâm đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Ngày 2-6-2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 2783/QĐ-BCA-X11 về thành lập và quy định tổ chức bộ máy của Cảnh sát PC&CC tỉnh Đắk Lắk. Sau khi thành lập, dù còn nhiều khó khăn, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: việc phối hợp tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn PCCC của các ngành chức năng, các địa phương chưa thường xuyên, rộng khắp dẫn đến kết quả còn hạn chế, nhiều cơ sở còn vi phạm các quy định về an toàn PCCC; người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, chưa quan tâm tổ chức thực hiện các biện pháp PCCC trong phạm vi quản lý; phong trào toàn dân PCCC ở một số địa phương, doanh nghiệp còn mang tính hình thức, lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng ở nhiều nơi còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu PCCC và CNCH tại chỗ; ở nhiều cơ sở trọng điểm, các khu công nghiệp, nhà cao tầng, chợ, làng nghề và các khu rừng trọng điểm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cháy lớn.
Từ thực tế tình hình trên, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn làm hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân gây cháy nổ, tai nạn, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác PCCC và CNCH như: triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các văn bản về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCCC, CNCH, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân; quan tâm xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, những mô hình, cách làm hay nhằm xây dựng phong trào toàn dân PCCC, CNCH ngày càng rộng khắp, có chiều sâu, hiệu quả; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm và duy trì các điều kiện an toàn PCCC; thực hiện nghiêm túc quy định về tự kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, vi phạm an toàn PCCC; quan tâm xây dựng, củng cố bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng, trang bị phương tiện và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC đối với lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, dân phòng, phấn đấu năm 2015 đạt tỷ lệ 70% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC có đội PCCC cơ sở và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Bên cạnh đó, tiến hành tổng điều tra khảo sát, nắm tình hình và thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC và điều kiện thoát nạn được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực (chợ, nhà cao tầng, công trình công cộng tập trung đông người, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cơ sở sản xuất, chế biến hóa chất, hàng hóa dễ cháy nổ,...), từ đó có giải pháp, phương án quy hoạch, di chuyển hoặc cải tạo, nâng cấp các cơ sở không bảo đảm yêu cầu an toàn PCCC. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH hiện đại, phù hợp cho lực lượng PCCC, nhất là lực lượng PCCC chuyên nghiệp; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện phương án chữa cháy và CNCH trong mọi tình huống; tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động chữa cháy và CNCH kịp thời, hiệu quả…
Đại tá Nguyễn Văn Định
(Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh)
Ý kiến bạn đọc