Phụ nữ Ea Tul hiến đất làm đường
Buôn Sah B là nơi có nhiều gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ đã tự nguyện hiến đất, cây cối, kinh phí và góp công, góp sức cùng Nhà nước bê tông hóa được 3 đoạn đường giao thông với chiều dài hơn 1 km đường. Những đoạn đường được trải bê tông đã góp phần giúp cho giao thông thuận tiện hơn, không còn nỗi lo những ngày mưa đường lầy lội… Hộ chị H’Náp Mlô là một trong những gia đình đóng góp nhiều nhất cho việc làm đường ở địa phương. Không chỉ đóng góp kinh phí, ngày công, chị H’Náp còn tự nguyện tháo dỡ bờ rào, hiến 220 m2 đất, nhổ 35 cây cà phê trong thời kỳ kinh doanh và 15 cây ăn quả để mở rộng con đường mà không hề đòi hỏi một sự đền bù hay hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương, chỉ với mong ước con đường sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi... Cách đây 3 năm, chị H’Náp cũng đã tự nguyện phá bỏ một hàng cà phê hơn 30 cây, hiến hơn 200 m2 đất ở buôn Pơr để làm đường... Điều đáng quý, gia đình chị H’Náp không phải hộ khá giả ở địa phương mà kinh tế chỉ ở mức trung bình. Chị tâm sự: “Bản thân là Chi hội trưởng phụ nữ nên mình phải gương mẫu thực hiện để cho các hội viên noi theo. Hiến đất làm đường mình không tiếc đâu bởi đó là điều nên làm, để có đường dễ đi, thuận lợi cho gia đình mình và bà con, con cái đi học cũng tiện lợi hơn”.
Cùng ở trên tuyến đường, nhà Amí Juy là hộ nghèo, nhà hơn 10 nhân khẩu sống nhờ vào hơn 1,5 ha cà phê; cả nhà vẫn phải sống trong ngôi nhà ván đã xuống cấp bởi chưa có điều kiện sửa chữa. Vậy mà, khi địa phương vận động làm tuyến đường chạy qua khu vườn nhà, Amí Juy đã không tính toán thiệt hơn tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất, chặt bỏ 30 cây cà phê và 10 cây ăn trái để mở rộng, nắn con đường cho thẳng đẹp. Amí Juy bộc bạch: “Cũng tiếc lắm nhưng vì cái chung, tôi sẵn sàng hy sinh một phần đất của gia đình để làm đường. Con đường trước bị xuống cấp nghiêm trọng, nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn, nhất là vào những ngày mưa. Có được con đường bê tông không chỉ giúp cho người dân đi lại thuận lợi mà việc trao đổi mua bán cũng được dễ dàng".
Ngoài gia đình H’Náp Mlô và Amí Juy, nhiều gia đình khác trên địa bàn xã Ea Tul cũng sẵn lòng đóng góp kinh phí, hiến đất, góp công, góp sức để làm đường, như: chị H’Bluen Niê và chị H’Chuyên Niê (buôn Sah B) mỗi chị hiến 50 m2 đất; chị H’Yua Byă (buôn Tu) hiến 60 m2 đất; chị H’Bi On Ktla (buôn Tu) hiến 50 m2 đất… Không ít gia đình trong số đó thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Để tạo được sự đồng thuận trong các cán bộ, hội viên, công tác tuyên truyền, vận động luôn được Hội Phụ nữ xã Ea Tul tập trung đẩy mạnh; trong đó, Hội đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để mỗi hội viên thấy rõ mục đích, ý nghĩa và vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới. Bà H’Wôn Niê, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Ea Tul có 13 thôn, buôn, với hơn 10.500 khẩu, đa phần người dân là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn nhiều hạn chế. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ đòi phải có đền bù mới chịu hiến đất. Hội đã cùng với các chi hội ở thôn, buôn, phối hợp với các ban ngành đoàn thể của xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với nội dung và hình thức gắn với thực tế, giải thích cho bà con biết làm đường thì việc chở nông sản cũng dễ dàng hơn, ốm đau đi lại cũng thuận tiện hơn. Dần dần, nhận thấy lợi ích thiết thực của việc làm đường, nhiều hộ đã tích cực tham gia”.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc