Bồi đắp kỹ năng sống cho thiếu nhi
Lần đầu tiên tổ chức nhưng các hoạt động của chương trình “Ứng phó với tình huống nguy hiểm” đã thu hút được sự quan tâm của thiếu nhi và các bậc phụ huynh bởi tính thiết thực mà nó mang lại.
Thiếu nhi tham gia chương trình hào hứng đưa ra cách xử lý tình huống nguy hiểm. |
Tham gia chương trình có hơn 80 em thiếu nhi hiện đang sinh hoạt tại các CLB, Đội, Nhóm chuyên của Nhà Văn hóa. Trong khuôn khổ Chương trình, để các em dễ dàng được tiếp cận, ban tổ chức đã xây dựng các tình huống bằng nhiều nội dung khác nhau như kể chuyện, hình ảnh minh họa, trình chiếu các video, clip. Bên cạnh đó, Chương trình còn trang bị cho các em kiến thức về kỹ năng sống thông qua trò chơi trải nghiệm tự xây dựng tình huống nguy hiểm và đề xuất cách giải quyết, hay thông qua trò chơi thử tài đoán vật để từ đó biết chủ động xử lý khi tình huống bất ngờ xảy ra. Cha mẹ hay vắng nhà do bận công việc nên em Nguyễn Trương Tú Anh (trường THCS Đoàn Thị Điểm) phải thường xuyên tự chăm sóc bản thân. Dù đã quen nhưng đôi khi sự đơn độc vẫn khiến cô bé sợ hãi, lo lắng. Tú Anh tâm sự: “Lúc cha mẹ em đi vắng cũng hay có khách đến. Trước đây, dù là khách quen hay lạ em cũng đều mở cửa cho họ vào nhà. Tuy nhiên sau khi được phân tích và xem các tình huống từ chương trình, em mới biết rằng đó là một trong những tình huống khá nguy hiểm. Khi ở nhà một mình thì tuyệt đối không được mở cửa cho người lạ. Nếu là người quen thì phải tìm hiểu xem người đó là ai, gặp ai trong gia đình và có những cử chỉ lễ phép, đúng mực với người khách đó”. Còn với em Phạm Ngọc Tài (trường THCS Hùng Vương) thì qua chương trình, em thấy mình có thêm được nhiều kỹ năng rất bổ ích. Tài chia sẻ: “Nhờ tham gia chương trình mà em biết được mình có thể nhận ra mối nguy hiểm bằng nhiều cách khác nhau. Trong quá trình giao tiếp, chỉ cần chú ý cần quan sát gương mặt của người lạ thì có thể nhận biết sự nguy hiểm, từ đó giữ khoảng cách an toàn hoặc kêu gọi sự giúp đỡ khi bị tấn công, xâm hại”.
Có lẽ, một hiệu quả khác mà Chương trình “Ứng phó với tình huống nguy hiểm” mang lại cho các em nhỏ là rèn luyện lối sống tự lập, bởi đôi khi trong cuộc sống, vì quá bận rộn, nhiều bậc cha mẹ đã không dành đủ thời gian để giáo dục, rèn luyện cho con cái những kỹ năng cơ bản. Anh Nguyễn Đắc Dỹ, điều phối viên của chương trình cho biết: “Dạy trẻ kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm là cần thiết, bởi khi đứa trẻ trải qua một tình huống nào đó không được hướng dẫn trước, báo trước sẽ bị ảnh hưởng tâm lý của trẻ, các em sẽ có cảm giác hoang mang, lo lắng. Chương trình này nhằm tạo cho trẻ tính chủ động trong cuộc sống. Bởi vậy, những tình huống đặt ra luôn có định hướng để các em hội ý và có cách xử lý tốt nhất. Và để thực sự đạt hiệu quả thì không nên dạy trẻ bằng lý thuyết suông mà cha mẹ phải cùng con thực hành nhiều lần. Có thể cùng con giả định tình huống, cha hoặc mẹ đóng vai người lạ để bé thực hành. Hay khi nhà có khách, thử cho con thay mặt đón tiếp để xem cách ứng xử của trẻ và điều chỉnh phù hợp. Lâu dần, những phản ứng đó trở thành thói quen, giúp trẻ nhạy bén và áp dụng nhanh nhẹn khi gặp tình huống tương tự”.
Chỉ diễn ra trong 1 buổi nhưng Chương trình “Ứng phó với tình huống nguy hiểm” không chỉ là sân chơi bổ ích tạo cơ hội giao lưu, học hỏi mà còn giúp các em thiếu nhi nhanh nhạy hơn, biết chủ động xử lý tình huống cũng như thích ứng được với mọi hoàn cảnh trong xã hội.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc