Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với rượu ngâm… "thần dược"!

07:17, 15/11/2015

Thời gian gần đây, trào lưu sưu tầm các loại thảo mộc để ngâm rượu ngày càng phổ biến từ giới đại gia cho đến trung lưu, trong đó, hai loại cây đang được quan tâm nhiều nhất là đinh lăng và nở ngày đất.

Lâu nay, cây đinh lăng được trồng nhiều để làm cảnh hoặc rau gia vị, tuy nhiên, gần đây, loại cây này được kháo nhau là có công dụng như “thần dược” nên phong trào tìm mua đinh lăng để ngâm rượu cũng lên cơn sốt. Nhiều người cho rằng, đinh lăng có tác dụng tăng lực, bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương, hạ sốt, chữa bệnh thiếu máu; đặc biệt, rượu ngâm rễ đinh lăng chữa bệnh yếu sinh lý, tăng cường bản lĩnh đàn ông. Vì vậy, tất cả các bộ phận của cây này đều được thu mua: lá tươi có giá 5.000 đồng/kg, lá khô 25.000 đồng/kg, thân (làm giống) 30.000 đồng/kg, rễ 200.000 – 400.000 đồng/kg tùy loại. Ông Nguyễn Văn Lưu, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột có mấy cây đinh lăng mới trồng được hơn 1 năm, cây cao chừng 1 mét nằm khuất sau vườn nhà, nhưng nhiều thương lái đã đến hỏi mua với giá 150.000 đồng/cây nhưng ông không bán. Thứ được giới sưu tầm đánh giá cao nhất là rễ cây đinh lăng từ 10 năm trở lên, có người sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng để có được bộ rễ cây được ví như nhân sâm này. Tuy nhiên, loại này hiện rất hiếm, thậm chí, các thương lái săn tìm khắp nơi cũng chẳng mấy khi mua được. Không chỉ đại gia mà nhiều người thu nhập trung bình cũng mua đinh lăng về ngâm rượu uống, loại trung bình từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.  Trên nhiều trang mạng, facebook cá nhân đều dễ dàng tìm thấy các mẩu quảng cáo bán rượu ngâm đinh lăng, cụ thể bình 250ml giá 120.000 đồng, bình 1 lít giá gần 400.000 đồng. Tuy nhiên chất lượng rất khó kiểm chứng, bởi trên thị trường bên cạnh loại đinh lăng có thể dùng làm dược liệu còn có loại không có giá trị và đinh lăng ngoại nhập trà trộn. Theo tìm hiểu, đinh lăng (còn gọi là nam dương sâm hay cây gỏi cá), trong y học cổ truyền được dùng với tác dụng tăng cân, an thần, chống trầm cảm, suy nhược cơ thể…

Trong khi đó, gần đây cây nở ngày đất cũng được nhiều người quan tâm khi được quảng cáo tràn lan với nội dung hoành tráng là “đặc trị bệnh gout, tiểu đường”. Nhiều người đã tìm mua cây này để nấu hoặc ngâm rượu uống với mong muốn hết bệnh. Theo số điện thoại trên một diễn đàn mạng, phóng viên gọi điện cho một người bán cây nở ngày đất ở Buôn Ma Thuột thì được chào hàng nhiệt tình: “Anh muốn mua bao nhiêu cũng có, giá chỉ 120.000 đồng/kg (cây khô), đem về đun uống nước hằng ngày, sớm là 10 ngày, lâu thì khoảng một tháng sẽ hết bệnh gout và tiểu đường”. Tuy nhiên, khi tôi nói bị tiểu đường típ 2, phải uống bao lâu mới hết thì người bán hàng tư vấn: “Có điều kiện thì anh cứ mua uống đến khi nào khỏi bệnh thì thôi!”. Anh Hà Văn Ninh, thôn 16, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cho biết, anh đã bỏ ra 3 triệu đồng nhờ người quen mua cây này về vừa ngâm rượu vừa sắc uống thường xuyên trong vòng hơn 2 tháng nhưng cái chân bị gout của anh chẳng hề giảm đau nên anh bỏ không dùng nữa. Trong khi đó, anh Nguyễn Hồng Phúc (đường Nguyễn Tri Phương, TP. Buôn Ma Thuột) không bị bệnh gì nhưng cũng tìm mua vài ký cây này về ngâm rượu uống với suy nghĩ cây thuốc nam thì uống chẳng ảnh hưởng gì và “không bổ ngang thì bổ dọc”. Theo tìm hiểu, nở ngày đất, tên khoa học Gomphrena celosiodes Mart, thuộc họ rau dền Amaranthaceae. Dân gian chữa ho, cảm cúm, tiêu độc, sốt ở trẻ em, huyết trắng ở phụ nữ, chống vi khuẩn, thiếu máu, bị mệt mỏi, hạ sốt, kháng viêm, hạn chế phát triển của một số loại vi khuẩn, lợi tiểu, chống ôxy hóa… Hội Đông y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, công dụng chữa tiểu đường, bệnh gout của cây nở ngày đất thì chưa có tài liệu nào chứng minh, việc sử dụng cây này lâu nay vẫn theo kinh nghiệm, tuy nhiên, những người bình thường không nên sắc hoặc ngâm rượu uống vì có thể cơ địa không phù hợp, dễ gây ra ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

Trước đây, một số loại cây cũng khiến nhiều người phát sốt bởi công dụng của nó bị đồn thổi là “thần dược” như lược vàng, mật nhân, lô hội, bởi vậy người dân nên thận trọng, đừng lạm dụng các loại cây này làm thuốc, đặc biệt là ngâm rượu để tránh “tiền mất tật mang”.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.