Multimedia Đọc Báo in

Chàng thanh niên nhiệt huyết với công tác dân số

08:48, 21/11/2015
Hết lòng, nhiệt huyết với công việc, không ngại khó khăn và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là nhận xét của mọi người dành cho anh Đỗ Văn Tuyến, cán bộ Dân số - KHHGĐ xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Anh Tuyến là  nam thanh niên duy nhất ở cấp xã trên địa bàn huyện Buôn Đôn làm công tác dân số - KHHGĐ.

“Cơ duyên” đưa anh Tuyến đến với công việc của một cán bộ dân số thật tình cờ. Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa Điều dưỡng vào năm 2010, vì ở quê khó xin việc nên anh Tuyến đến xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) với hy vọng tìm được việc phù hợp. Lúc bấy giờ, nguyện vọng của anh Tuyến là xin vào Trạm Y tế xã Krông Na nhưng trạm không có chỉ tiêu biên chế thêm điều dưỡng. Đến tháng 2-2011, UBND xã tuyển cán bộ làm công tác dân số nên anh nộp hồ sơ và được tuyển dụng. “Bén duyên” với công việc mới, anh Tuyến bắt đầu tìm hiểu và học thêm qua sách báo, đồng nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng về công việc chuyên môn của mình. Là nam thanh niên chưa vợ, lại mới ra trường, lần đầu tiếp xúc với các từ ngữ chuyên môn như bao cao su, thuốc tránh thai, dụng cụ tử cung…, anh Tuyến không khỏi bỡ ngỡ. Khi đã quen với công việc của một cán bộ dân số - công việc mà theo quan niệm của nhiều người thì chỉ dành cho phụ nữ - anh Tuyến đã chứng tỏ được năng lực của mình trong công việc. Để người dân nơi đây hiểu và áp dụng các biện pháp về kế hoạch hóa gia đình, anh Tuyến trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động, phát tờ rơi có kèm hình ảnh về kế hoạch hóa gia đình; thường xuyên vào tận thôn, buôn cấp phát các dụng cụ tránh thai như bao cao su, thuốc tránh thai và hướng dẫn các cặp vợ chồng sử dụng các phương tiện tránh thai. Mỗi khi thấy anh Tuyến vào buôn, bà con lại gọi anh bằng cái tên thân mật, vui vui là “anh bao cao su”. Với bà con các buôn, anh Tuyến giờ đã như một người em trai, người con của buôn làng, mang những hiểu biết về sức khỏe sinh sản truyền đạt lại cho bà con.

Anh Tuyến (ngoài cùng bên phải) cấp phát dụng cụ  chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xã Krông Na.
Anh Tuyến (ngoài cùng bên phải) cấp phát dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xã Krông Na.

Tuy là nam thanh niên duy nhất ở cấp xã trên địa bàn huyện làm công tác dân số, tuổi đời lại còn rất trẻ chỉ mới 28 tuổi nhưng anh Tuyến luôn hết lòng, nhiệt huyết với công việc, cố gắng vượt qua mọi khó khăn và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Còn nhớ, vào năm 2013, số trường hợp sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn xã Krông Na là 20 trường hợp. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên là phải giảm số trường hợp sinh con thứ ba trở lên, năm 2014 nên anh Tuyến đã phối hợp với các cộng tác viên dân số thôn, buôn tăng cường tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, kế hoạch hóa gia đình. Nhờ tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực nên đến cuối năm 2014, xã Krông Na còn 13 trường hợp sinh con thứ ba trở lên, giảm 7 trường hợp so với năm 2013; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng lên đáng kể, một số cặp vợ chồng được vận động đã quyết định thực hiện đình sản.

Anh Tuyến đã được các cấp khen thưởng nhiều lần vì hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với anh Tuyến, thấy được những hiệu quả do công việc của mình mang lại: nhận thức về dân số-KHHGĐ của bà con được nâng lên, nhiều cặp vợ chồng đã quyết định sinh ít con để phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con tốt hơn… chính là niềm động viên, là động lực để anh phấn đấu hơn nữa trong công việc của mình.

Thanh Mười


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.