Khám phá thú chơi mô hình tĩnh
Lắp ráp mô hình tĩnh đòi hỏi người chơi cần kiên nhẫn vì có hàng nghìn chi tiết cần kết nối. Trong ảnh: Mẫu tàu sân bay với 5.000 chi tiết khác nhau do bạn Nguyễn Đức Bảo lắp ráp. |
Thông thường, những người chơi mô hình tĩnh chia làm hai dạng: mô hình dân sự và mô hình quân sự, với hai cách thức chơi là: mô hình có sẵn và mô hình lắp ráp. Với mô hình có sẵn, người chơi thường tìm kiếm, đặt mua trên mạng Internet. Đây là những mẫu được nhà sản xuất chế tạo sẵn, dành cho những người chơi dư dả về kinh phí vì những mẫu này khá đắt tiền, do sử dụng những nguyên liệu thật dùng để chế tạo vật nguyên mẫu và được chế tác rất tinh xảo. Còn đa phần các bạn trẻ hiện nay lại thích thú với việc lắp ráp một chiếc máy bay, ô tô… Anh Nguyễn Thái Hoàng, trú tại phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Trong một lần xem truyền hình, thấy các máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Việt Nam, tôi mê quá liền lên mạng tìm kiếm các mẫu mô hình này, đặt mua, tự tay lắp ráp và sơn màu. Đây chính là niềm đam mê khi mình gần như không có cơ hội được tiếp xúc với nó trong thực tế”.
Theo anh Phan Hoàng Phát, ở phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột), một người chơi mô hình lâu năm thì, giá một chiếc mô hình tĩnh tùy vào kích cỡ lớn, nhỏ; rồi thêm tiền mua nguyên liệu để sơn, dán… người chơi sẽ tiêu tốn trung bình từ 500 nghìn cho đến 5 triệu đồng; thậm chí có những mẫu lên đến hơn 10 triệu đồng. Hiện trên thị trường đa phần các bạn trẻ thường tìm các mẫu máy bay chiến đấu, như: Su-30, Su-34, Mig-21, Mig-29, F-22…; còn về ô tô thì chủ yếu của các hãng xe nổi tiếng như: Mercedes, Hummer, Lamborghini, Audi, Ferrari… Và cũng tùy sở thích mà người chơi có thể sở hữu các loại mô hình khác nhau, như ô tô, xe máy, máy bay chiến đấu, thuyền buồm; có người lại chuộng mô hình người như: cầu thủ C. Ronaldo, Messi; hay tàu hỏa, biệt thự, lâu đài… Anh Phát cho hay: “Cái thú của việc chơi mô hình tĩnh là ở chỗ làm cho người chơi có cảm giác như được chế tạo, sở hữu những sản phẩm nổi tiếng của thế giới trong căn phòng của mình”.
Anh Trần Công Minh, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột), chủ nhiệm CLB mô hình Buôn Ma Thuột cho biết các bộ phận mô hình tĩnh thường làm bằng nhựa nên khi gỡ ra sẽ tạo độ vênh và lúc dán keo sẽ không khít. Do đó, để ghép chúng với nhau người chơi phải có thêm một bộ đồ nghề riêng, thường đặt mua từ Nhật Bản hay Đức... hoặc là tự chế từ các dụng cụ có sẵn ở trong nước như kiềm, dũa, kéo… Bên cạnh đó, người chơi luôn có một hộp dụng cụ như: cọ, lọ màu, dụng cụ vẽ airbrush… dùng để sơn mô hình. Một mẫu máy bay tĩnh có hàng trăm chi tiết nhỏ khác nhau; thậm chí có mẫu lên đến hàng nghìn và người chơi phải tỉ mẩn lắp ráp từng chi tiết thành một khối thống nhất. Anh Minh cho biết: “Cái khó của người chơi sau khi lắp ráp hoàn chỉnh là phải sơn, dán đề can để mẫu vật trông như thật và đẳng cấp hơn thì cải tiến thêm chi tiết để mô hình trở thành hàng độc. Do đó, để tránh làm xấu mẫu vật người chơi thường tập sơn với các kỹ thuật như: sơn chấm cọ thể hiện các chi tiết rỉ sét; sơn trông cũ kỹ, tạo hiệu ứng hao mòn… Chơi mô hình không vội được, trung bình thời gian hoàn thành ít nhất từ 3 đến 6 tháng, còn với những mẫu lớn thì không thể nói chính xác là bao lâu…”.
Điều cuốn hút các bạn trẻ đam mê thú chơi này là khi thực hiện mô hình trưng bày, nhiều người chơi đã thức trắng đêm để lắp từng chi tiết của món đồ yêu quý. Sau đó bài trí, trưng bày những mẫu vật của mình một cách hài hòa, tạo nên một thế giới riêng, trong đó có máy bay, ô tô, sân bay, bãi đậu xe… Anh Minh khẳng định: “Đối với những người mê mô hình chẳng có gì vui hơn là khi được sở hữu, hoặc chế tạo thành công một chiếc xe, máy bay… hoặc được trải nghiệm cảm giác như một kỹ sư thực thụ khi chính tay lắp ráp và hoàn chỉnh một mẫu mô hình mà mình yêu thích”.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc