Multimedia Đọc Báo in

Thêm "lối về" cho người lầm lỡ

07:15, 15/11/2015

Được thành lập vào tháng 9-2013, Cơ sở tư vấn và cắt cơn cai nghiện ma túy tự nguyện Nhân Hòa (trụ sở tại thôn 3, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã và đang trở thành “mái nhà chung” cho những người nghiện ma túy, góp phần làm giảm gánh nặng trong công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh...

Ông Nguyễn Mạnh Cường (bìa phải) trò chuyện với mọi người trong cơ sở Nhân Hòa.
Ông Nguyễn Mạnh Cường (bìa phải) trò chuyện với mọi người trong cơ sở Nhân Hòa.
Trong căn phòng rộng khoảng 20 m 2 được trang bị đầy đủ tivi, tủ lạnh… tại cơ sở cai nghiện Nhân Hòa, anh Lê S. (39 tuổi, ngụ Bình Phước) tâm sự: “Bản thân tôi bị nghiện hơn mười năm, bao nhiêu tiền của, tài sản trong gia đình cứ dần “bay” theo làn khói ma túy. Năm 2013, tình cờ biết đến cơ sở cai nghiện ma túy Nhân Hòa nên tôi quyết định đi cai nghiện. Sau một thời gian điều trị, tôi đã cai được ma túy và trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, do không “chiến thắng” được bản thân nên tôi tái nghiện. Đây là lần thứ hai tôi đến Nhân Hòa, bởi tại đây các y, bác sĩ có phương pháp điều trị cắt cơn nghiện rất hiệu quả”. Còn anh L. (SN 1986, quê Thanh Hóa) kể: Sau khi tốt nghiệp một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, L. “trượt dài” vào những cuộc vui chơi cùng bạn bè, rồi sa chân vào ma túy. Ngập ngừng trong giây lát, L. tiếp tục chia sẻ: “Từ ngày vào Nhân Hòa đến nay đã được hơn 1 tháng, bây giờ tôi không còn cảm giác thèm thuốc nữa, cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn hẳn”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường (SN 1957), chủ cơ sở Nhân Hòa cho biết, được phép hoạt động trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2023, Nhân Hòa là cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy. Số lượng điều trị tối đa trong cùng một thời điểm tại Nhân Hòa là 10 bệnh nhân, theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Chia sẻ về “cơ duyên” đối với công việc này, ông Cường cho hay: Cách đây khoảng hơn hai chục năm chính bản thân ông đã tình nguyện “thử” ma túy để kiểm nghiệm hiệu quả của bài thuốc Heantos (bài thuốc dân gian được lương y Trần Khuông Dẫn và 3 người khác sưu tầm, bào chế, có các tên gọi khác như thuốc giải độc ma túy Đại Dương TKD, thuốc giải độc thuốc phiện). Sau khi được anh trai mình (ông Nguyễn Quang, một người trong nhóm nghiên cứu thuốc Heantos) truyền lại bài thuốc, cùng với nhiều phương pháp hỗ trợ khác nên ông muốn giúp đỡ những người nghiện ma túy phương pháp cắt cơn nghiện một cách nhẹ nhàng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở Nhân Hòa tiếp nhận khoảng 15 đến 17 người bệnh trong và ngoài tỉnh  đến điều trị. Ông tâm sự: “Con cái tôi giờ đây đã thành đạt nên thường khuyên bố mẹ nghỉ ngơi cho đỡ vất vả, nhưng cái tâm với nghề chưa cho phép tôi dừng lại. Tôi còn sẽ tiếp tục đem những gì mình biết giúp đỡ nhiều người không may lầm lỡ có cơ hội  làm lại cuộc đời. Tôi hy vọng những việc làm nhỏ của mình sẽ góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ông Nguyễn Xuân Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh (PCTNXH) cho biết: Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tăng từ 1.119 người (năm 2011) lên 1.361 người (tháng 8 năm 2015), chưa kể số người nghiện ma túy không có hồ sơ quản lý. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có người nghiện, trong đó một số địa bàn có nhiều người nghiện ma túy như: TP. Buôn Ma Thuột (320 người); các huyện Ea H’leo (137 người); Ea Kar (144 người); Krông Búk (94 người)... Trước thực trạng đó, Chi cục PCTNXH tỉnh đã kịp thời tham mưu và phối hợp với các ban, ngành chức năng trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với Cơ sở tư vấn và cắt cơn cai nghiện ma túy Nhân Hòa, mỗi năm cơ sở tiếp nhận điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe cho khoảng 150 đến 200 lượt người nghiện trong và ngoài tỉnh. Hoạt động của cơ sở đã góp phần giảm áp lực về ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa dịch vụ của người nghiện và phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác chữa trị, cai nghiện ma túy…   

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.