Chuyện về những người "thổi hồn" vào cội rễ
Bằng đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, những người thợ mộc đã biến những bộ gốc, rễ cây xù xì, thô mộc thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao…
Xưởng chuyên chế tác gốc, rễ cây của nhóm thợ quê ở Hưng Yên nằm trên một con đường nhỏ tại thôn Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) xuất hiện đã gần một năm nay. Gọi là xưởng nhưng thực ra nơi đây không có bảng hiệu mà chỉ là một căn nhà nhỏ được nhóm thợ này thuê lại của một người dân trong vùng. Thời điểm này, nhiều khách giục lấy hàng gấp để kịp chưng trong dịp Tết nên xưởng lúc nào cũng rộn ràng tiếng đục đẽo lách cách. Anh Vũ Văn Bân (SN 1990), thợ chính tại đây cho biết, nhóm của các anh không có cơ sở cố định, mà thường xuyên cơ động để hành nghề (ai có nhu cầu thì mời đến). Năm nay mới 25 tuổi nhưng anh Bân đã có hơn 10 năm tuổi nghề chế tác gốc, rễ cây. Từ khi còn nhỏ, ở gần nhà có mấy cơ sở mộc nên anh Bân thường sang chơi và bị mê mẩn với các sản phẩm của những người thợ nơi đây. Lớn lên, anh lặn lội tới các cơ sở mộc ở Hưng Yên và các tỉnh Hải Dương, Tuyên Quang, Thái Nguyên… để học hỏi kỹ thuật tạo hình tại những làng nghề nổi tiếng. Theo anh Bân, nghề này không cần vốn đầu tư lớn. Nguyên liệu chỉ là những gốc, rễ cây mà nhiều người để mục nát ngoài mưa nắng hoặc làm chất đốt… Dưới con mắt nhà nghề, người thợ sẽ nhìn thấy “vàng” trong đó. Sau khi đã hình dung được mẫu cần chế tác, người thợ bắt đầu đục phá (nhát đục to và thô) để tạo thế ban đầu, tiếp đó mới đục kép (nhát đục nhỏ và tinh tế hơn) để khắc họa chi tiết và sau cùng mới làm bóng cho sản phẩm bằng máy, hoặc bằng tay. Chỉ cho chúng tôi xem pho tượng Phật Di Lặc đã hoàn thành, anh Bân nói: “Bức tượng này chúng tôi phải mất hơn một tuần mới hoàn thành xong. Cái khó của nghề này là không có bản vẽ mẫu sẵn, vì vậy đòi hỏi tay nghề, sự sáng tạo của con người phải cao hơn những mặt hàng khác. Hàng nghìn sản phẩm thì không cái nào giống cái nào, bởi tùy thuộc vào dáng thế của gốc cây”.
Những người thợ đang hoàn thành sản phẩm của mình. |
Bên bức tượng Thần Tài đang đục dở, anh Nguyễn Văn Quyết (SN 1992), chia sẻ “Làm nghề này không thể vội vàng được mà phải kỳ công và tỉ mẩn. Cái khó nhất ở đây chính là tạo được thần thái của các bức tượng. Ví như Thần Tài thì phải tạo được thần thái tươi vui, hiền hậu để mang thịnh vượng, tài lộc đến cho gia chủ mới đạt yêu cầu”. Cách đây 4 năm, anh Quyết đã lặn lội từ Hưng Yên sang các làng nghề mộc ở Hải Dương để học. Theo anh thì phải mất khoảng 4 đến 5 tháng mới có thể trở thành thợ phụ, còn để “lên” thợ chính thì phải mất khoảng 2 năm. Anh Quyết cho biết, trung bình một tuần anh hoàn thành xong một sản phẩm với tiền công khoảng 3 triệu đồng. Thu nhập từ nghề này đủ để anh chi tiêu cho cuộc sống và gom góp phần nào gửi về nhà phụ giúp gia đình. Còn anh Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1979), một người mới bắt đầu học nghề này cho hay: Do thích thú và thấy nó đem lại cuộc sống ổn định nên anh quyết tâm theo nghề này. Được những người thợ đi trước như anh Bân, anh Quyết chỉ bảo, giúp đỡ tận tình nên dù mới học được mấy tháng nhưng anh Quỳnh cũng đã làm được những sản phẩm khá tinh xảo. Theo anh Quỳnh, nghề này không bỏ bất cứ thứ gì, dù là mẩu gỗ nhỏ nhất vẫn có thể tận dụng làm thành vật dụng như: Gạt tàn thuốc lá, đồ chơi... Hiện nay nghề mộc đỡ vất vả hơn nhờ sự hỗ trợ của phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, máy móc chỉ làm những công đoạn như tiện, đánh bóng, còn lại tạo tác chủ yếu vẫn phải làm thủ công, dựa vào sáng tạo và bàn tay cần mẫn, tỉ mỉ của con người. Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa, một khách hàng (ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), tấm tắc khen: “Thật không ngờ, từ những gốc cây chẳng mấy giá trị mà qua bàn tay của những người thợ nó lại trở nên đẹp và có hồn đến như vậy”.
Nghiêm túc trong công việc và đầy sáng tạo, nhiệt huyết với nghề, nhóm thợ mộc nơi đây đã và đang làm ra những sản phẩm mỹ nghệ đẹp, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Bằng đôi bàn tay khéo léo, các anh không những tạo sinh kế cho bản thân mà còn góp phần làm ra những sản phẩm làm đẹp cho đời…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc