Multimedia Đọc Báo in

Đội công tác 253 huyện Lắk: Tích cực vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

10:18, 25/12/2015

Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện Lắk, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tuy có phát triển song vẫn còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS vẫn còn chiếm tỷ lệ cao (gần 76% trên tổng số hộ nghèo của toàn huyện), tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS tuy không xảy ra những vấn đề lớn, song còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Để làm tốt công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân vận Huyện ủy Lắk đã tổ chức nhiều đợt phát động quần chúng (PĐQC) ở cơ sở, tập trung ở các địa bàn khó khăn. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương gắn với các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách dân tộc và tôn giáo của Đảng và Nhà nước, giúp nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch.

Thành viên  các đội,  tổ công tác 253 huyện Lắk  họp giao ban hằng tuần với Ban Dân vận Huyện ủy.
Thành viên các đội, tổ công tác 253 huyện Lắk họp giao ban hằng tuần với Ban Dân vận Huyện ủy.

Ông Y Săn Ayun, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lắk cho biết, sau khi có Thông báo số 253-TB/TU, ngày 05-7-2004 của Thường trực Tỉnh ủy và Thông báo số 43-TB/BTC, ngày 30-7-2004 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc thành lập đội công tác PĐQC, Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk đã tổ chức thành lập 9 đội, 3 tổ công tác PĐQC (còn gọi là Đội công tác 253) với tổng số 82 thành viên. Sau nhiều lần củng cố, kiện toàn, hiện nay huyện Lắk có 9 đội, 1 tổ công tác 253 từ huyện đến cơ sở với tổng số 51 thành viên. Dưới sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy Lắk đã xây dựng kế hoạch PĐQC cho từng quý, từng năm và triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng phong phú, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của từng địa bàn. Ban Dân vận Huyện ủy Lắk đã phân công nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đội công tác theo đúng quy chế đã xây dựng. Ông Y Mâu Đăk Căt, Đội trưởng Đội công tác 253 của huyện cho hay: Các đội, tổ 253 đều tổ chức giao ban cùng với ban tự quản thôn, buôn tại trụ sở UBND các xã, sau đó cử thành viên tham gia giao ban với lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy vào sáng thứ 4 hằng tuần nhằm phản ánh tình hình và nắm bắt nhiệm vụ cần triển khai thực hiện.

Trong 10 năm qua, các đội, tổ công tác 253 đã thường xuyên bám địa bàn thôn, buôn, nắm chắc diễn biến tình hình phát sinh mới ở cơ sở; tham gia tổ chức 782 đợt PĐQC với hơn 388.000 lượt người tham dự. Các đội công tác 253 còn thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ người dân tăng gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở thôn, buôn như: hướng dẫn bà con xây dựng 8 mô hình vườn rau sạch ở các xã Yang Tao, Bông Krang, Đắk Liêng, Đắk Phơi, Đắk Nuê… thu hút được hơn 245 hộ gia đình tham gia; làm mới hơn 250 chuồng trại, di dời chuồng trại gia súc ra xa khu vực nhà ở; phối hợp với thanh niên tình nguyện vận động 540 hộ dân tộc thiểu số xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh; vận động hơn 545 ngày công trong nhân dân sửa chữa đường giao thông, đường nội đồng; vận động hơn 498 học sinh bỏ học tiếp tục đến trường…

Nhờ làm tốt công tác PĐQC nên đã giải quyết kịp thời và hạn chế tối đa những vụ việc gây mất trật tự, an ninh trên địa bàn. Anh Nông Văn Du, Trưởng buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê) cho biết: Từ khi thành lập buôn (năm 2011) đến nay, các đội công tác 253 thường xuyên vào tận buôn, đến từng nhà người dân để tuyên truyền vận động nhân dân. Nhờ vậy, bà con trong buôn ngày càng tin tưởng vào Đảng và chính quyền, yên tâm lao động sản xuất… Còn chị H’Niêm Teh ở buôn Ja (xã Bông Krang) kể: “Trước đây, gia đình tôi và nhiều hộ trong buôn thường nuôi nhốt trâu, bò gần nhà ở nên rất mất vệ sinh. Nhờ được tham gia những buổi tuyên truyền do huyện, xã tổ chức nên gia đình đã hiểu và tự động di dời chuồng trại ra xa nhà ở để giữ gìn vệ sinh”. 

Theo đánh giá của đồng chí Nay Y Phú, Phó Bí thư Huyện ủy Lắk, các đội công tác 253 đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, thường xuyên bám địa bàn, nắm bắt diễn biến tư tưởng của nhân dân cũng như mọi mặt của đời sống xã hội, tích cực vận động, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo… Từng thành viên của đội đã thực hiện tốt phương châm “4 cùng”, “4 bám” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng nói của đồng bào DTTS; bám địa bàn, bám cấp ủy chính quyền, bám dân, bám đối tượng) với bà con nhân dân trong huyện. Nhờ đó, đã kịp thời nắm bắt, tham mưu xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, an ninh nông thôn, góp phần giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.