Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về dân số-KHHGĐ

09:51, 21/12/2015
Huyện Cư M’gar có hơn 174 nghìn dân sinh sống tại 17 xã, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Công tác dân số - KHHGĐ của huyện gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân còn lạc hậu; ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vẫn có những gia đình sinh 4-5 con, thậm chí có nhà có đến 8-9 con…

Nhằm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng các biện pháp tránh thai, những năm qua Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là truyền thông chuyển đổi hành vi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực có mức sinh cao... Hằng năm, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: xe lưu động phát băng tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ; nói chuyện chuyên đề về dân số - KHHGĐ; tuyên truyền về KHHGĐ thông qua các buổi họp nhóm, lồng ghép sinh hoạt câu lạc bộ; phát tờ rơi, chỉ đạo các cán bộ dân số, cộng tác viên dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động… Nhờ những biện pháp này, nhận thức của người dân về dân số - KHHGĐ từng bước được nâng lên; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ dần hiểu được lợi ích của việc áp dụng các biện pháp tránh thai, đáng kể là nhiều ông chồng cũng đã tham gia tích cực việc kế hoạch hóa gia đình.

Cán bộ, cộng tác viên dân số thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar)  tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho người dân.
Cán bộ, cộng tác viên dân số thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho người dân.

Tính đến nay, toàn huyện đã có 24.151 cặp vợ chồng (chiếm tỷ lệ 75%) sử dụng các biện pháp tránh thai, tăng 12,5% so với năm 2011 và 6,2% so với năm 2014. Những địa phương có tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai cao nhất là xã Ea Kpam (đạt 88,3%), Quảng Tiến (đạt 80%), Ea Kiết, Ea Tar (đạt 78%) và xã Ea Đrơng (đạt 77,2%)… Việc áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã tác động tích cực đến công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện, nhất là việc giãn được khoảng cách giữa các lần sinh và giảm mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Nếu như năm 2011 tỷ suất sinh vẫn còn ở mức 17,75%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 18,5% thì đến nay tỷ suất sinh chỉ còn 16,4%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn 16,2%…

Phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư M’gar đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chú trọng tăng cường thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về dân số - KHHGĐ,  sức khỏe sinh sản nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, quan niệm, tập quán của người dân về sinh đẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Trung Dũng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.