Multimedia Đọc Báo in

Vợ chồng "phu gạch" nuôi 3 con gái học giỏi

08:36, 05/12/2015
Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, quanh năm lam lũ làm thuê bốc gạch cho những đại lý vật liệu xây dựng, cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tuấn và chị Đặng Thị Cúc, trú tại buôn Kna B, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đều cố gắng nuôi các con ăn học. Và cả 3 cô con gái của anh chị đều chăm chỉ siêng năng học hành, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi.
Bữa cơm đạm bạc của 3 chị em.
Bữa cơm đạm bạc của 3 chị em.

Gia đình chỉ có 2 sào đất sỏi đá được ông bà ngoại chia cho, để kiếm sống và nuôi con, anh Tuấn và chị Cúc nhiều năm qua đi làm thuê bốc gạch song công việc không đều đặn, thu nhập rất bấp bênh. Chị Đặng Thị Cúc kể: “Có tháng ít người thuê, vợ chồng tôi chỉ kiếm được hơn một triệu đồng, lúc không có ai gọi bốc gạch chồng tôi lại đi phụ hồ theo công trình ở khắp nơi. Các con mỗi ngày một lớn, mọi chi phí ăn uống học hành cho con ngày càng tăng mà việc kiếm tiền ngày càng khó khăn. Chỉ mong các con mau lớn chăm chỉ học tập sau này đỡ khổ”. Gia đình 5 người ở trong căn nhà gỗ đã mục nát mưa dột tứ phía, có thể sập xuống bất kể lúc nào. Khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng anh Tuấn, chị Cúc không hề than vãn, vẫn cần cù chịu khó lao động kiếm tiền. Theo quy định của địa phương, gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nhà ở nếu có nguyện vọng sẽ được đề xuất lên các cấp xem xét hỗ trợ kinh phí xây nhà tình thương. Nhưng anh chị đã không xin nguồn quỹ đó mà đi vay ngân hàng chính sách 30 triệu đồng và mượn thêm bà con, bạn bè mua vật liệu về hai vợ chồng nhờ thêm anh em tự xây dựng. Chị Cúc tâm sự: “Mình nghèo khó nhưng vẫn có sức khỏe để lao động, trong khi ở địa phương vẫn còn nhiều gia đình khó khăn, bệnh tật cần giúp hơn. Vợ chồng tôi không làm đơn xin chính quyền hỗ trợ kinh phí xây nhà, mà tự cố gắng làm căn nhà nhỏ để gia đình tránh mưa tránh nắng. Mong rằng khi có nhà mới, các con sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. Trước đây, mùa mưa bão các con vừa học vừa chạy mưa tội lắm”.

Niềm hạnh phúc của anh chị là 3 cô con gái đều có ý thức tự giác và siêng học. Ba cô con gái đó là Nguyễn Thị Cẩm Tú (SN 2002) học lớp 8A1, Nguyễn Thị Cẩm Trinh (SN 2004) học lớp 6A3 cùng Trường THCS Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Thị Thùy Trâm (SN 2006) học lớp 4C Trường Tiểu học Lê Lợi. Bố mẹ làm phu bốc gạch nên chủ gạch gọi lúc nào là đi làm lúc đấy bất kể giờ giấc, nhiều hôm ba chị em đi học về tự nấu ăn rửa chén, buổi chiều lại tiếp tục đi học. Khó khăn là vậy nhưng các em học rất giỏi. Đặc biệt hai cô chị Nguyễn Thị Cẩm Tú và Nguyễn Thị Cẩm Trinh nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, được nhà trường lựa chọn tham gia và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi như: Giải toán Violympic qua mạng, thi Anh văn và Anh văn IOE qua mạng… Thầy Lê Hữu Toản, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết: “Hai chị em Tú và Trinh mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng học tập rất chăm chỉ, siêng năng, mạnh dạn phát biểu xây dựng bài, tham gia mọi hoạt động sôi nổi, xứng đáng là những con ngoan, trò giỏi”.

 Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.