Vui, buồn nghề sửa khóa
Nghề sửa khóa không cần đầu tư nhiều cho đồ nghề và mặt bằng để hành nghề nhưng lại cho lợi nhuận cao; tuy nhiên, người làm nghề này cũng luôn đối mặt với những cám dỗ…
Nằm trên vỉa hè đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột), tiệm khóa của anh Nguyễn Văn Long (SN 1967) luôn có khách. Người đến để cắt chìa khóa, người đến sửa ổ khóa; công việc hằng ngày của anh luôn bận rộn.
Anh Nguyễn Văn Long đang sửa khóa cho khách hàng. |
Anh Long cho biết, trước đây chạy xe ôm, công việc vất vả mà thu nhập lại bấp bênh. Cạnh chỗ anh đứng chờ khách có một người thợ sửa khóa nên khi rảnh khách anh lại lân la đến trò chuyện tìm hiểu. Đến năm 2000, thấy việc chạy xe ôm không đủ nuôi sống gia đình, anh quyết định theo học nghề sửa khóa. Với chút năng khiếu, cộng với sự cần cù khéo léo, chỉ cần một tháng học việc anh đã nắm bắt được cách làm chìa, mở khóa. “Học nghề năng khiếu chỉ một phần, phần còn lại là phải luôn nỗ lực suy nghĩ, tìm tòi mới tìm được cách “hóa giải” cho tất cả các loại khóa. Vì các nhà sản xuất khóa luôn đổi mới nguyên lý mở của các loại khóa liên tục, do vậy mình không cập nhật, tìm hiểu thì sẽ bị lạc hậu ngay. Đã là thợ khóa thì không được “lắc đầu” trước bất kỳ loại khóa nào khách cần mở, vì như thế thì thất bại hoàn toàn”, anh Long khẳng định. Chính vì vậy, mỗi lần có khách mang đến một ổ khóa lạ, chưa tiếp xúc bao giờ anh đều nói họ để lại hôm khác quay lại lấy. Sau đó, anh lùng sục trên thị trường mua cho bằng được ổ khóa cùng chủng loại đem về “phẫu thuật” nó ra để tìm nguyên lý mở khóa. Ngoài ra, anh còn tham gia một diễn đàn các thợ khóa trên toàn quốc. Đây là nơi để những người trong nghề trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. “Có nhiều lần không có đồ nghề mở một loại khóa, mình lại lên diễn đàn “cầu cứu”, vậy là có bạn đồng nghiệp ở TP. Nha Trang gửi đồ nghề lên cho để làm. Có những loại khóa mới không mở được thì lên diễn đàn hỏi đều được mọi người chia sẻ, giải đáp”- anh Long chia sẻ.
Ngoài việc không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm anh cũng sẵn sàng chia sẻ, dạy nghề miễn phí cho những người trẻ muốn học nghề này. Nhưng trước khi truyền nghề, anh luôn căn dặn rằng đây là nghề nhiều cám dỗ, dễ sa chân vào vòng lao lý nên luôn phải giữ lương tâm trong sáng trong khi hành nghề. Bởi trong suốt 15 năm làm thợ sửa khóa của mình, anh Long nghiệm ra điều này sau những nhiều tình huống gặp phải. Có lần, có một thanh niên mang đến một cục xà bông, trên đó có in hình một chiếc chìa khóa yêu cầu anh cắt chìa. Anh Long hỏi: chìa đâu không mang ra cắt mà phải làm thế này! Thấy người thanh niên luống cuống giải thích, anh liền từ chối không làm. Lần khác, có một thanh niên dắt chiếc xe máy đến tiệm anh nhờ cắt chìa vì lỡ làm mất. Người này sau đó bỏ chiếc xe lại rồi bỏ đi, sau ba ngày vẫn không quay lại lấy. Anh sinh nghi nên quyết định dắt chiếc xe lên công an phường giao nộp. Sau này anh mới được báo lại là chiếc xe là xe kẻ gian đã ăn cắp của người khác.
Ngoài ra, với nghề này cũng gặp không ít phiền toái. Cách đây hơn 1 tháng, anh Long nhận được điện thoại của một người đàn ông ở huyện Cư M’gar đề nghị anh xuống mở két sắt do quên mã. Anh không ngần ngại lặn lội chạy xe gần 50 cây số xuống để mở. Khi đang loay hoay mở két thì bất ngờ có một người phụ nữ la toáng lên yêu cầu anh dừng lại và gọi điện cho công an đến làm việc. Anh giải thích mình chỉ là thợ khóa được thuê đến để mở, không có mưu đồ gì xấu. Công an xã xuống, yêu cầu anh và các bên liên quan làm việc. Tại đây anh mới biết được hai vợ chồng người này đã ly hôn nhưng vẫn sống chung, nên khi người vợ đi vắng người chồng đã thuê anh xuống để mở khóa két. Người vợ về thấy vậy nên mới làm rùm beng lên như thế. Rồi có lần có người phụ nữ kêu anh đến mở khóa két, anh hỏi có chìa khóa không, có mã số không, người phụ nữ này lắc đầu. Nhìn thấy người này có vẻ bối rối, lấm lét nhìn ra nhìn vào, anh từ chối không làm nữa. “Mình làm việc đàng hoàng nên chẳng việc gì phải sợ, nhưng cũng có trường hợp người ta thuê mình đến để mở khóa cho họ làm việc không tốt; cho nên người thợ khóa vô tình tiếp tay cho hành vi xấu. Vì vậy phải luôn cảnh giác, quan sát chủ nhà nếu thấy có những biểu hiện đáng nghi ngờ thì không nhận làm, dù thù lao họ trả cao thế nào đi chăng nữa”, anh Long tâm sự. Hiện nay, khách hàng của anh Long không chỉ ở phố, mà còn ở các huyện, có khi sang tận Đắk Nông. Dù đường xa, hay đêm khuya nhưng khi nhận được điện thoại của khách hàng là anh đều vui vẻ nhận lời. Bởi anh luôn tâm niệm, khách hàng đã nhớ đến mình thì không thể từ chối làm họ thất vọng được.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc