Cảnh báo tình trạng đuối nước ở trẻ em tại các ao hồ, kênh mương thủy lợi
Vụ việc mới đây nhất, xảy vào ngày 21 - 12 trên địa bàn thị trấn Krông Kma (huyện Krông Bông) đã làm 2 học sinh thiệt mạng một cách oan ức. Theo đó vào khoảng 16 giờ cùng ngày, trên đường đi học về, em Nguyễn Văn Trung (10 tuổi) và em Trần Đức Hiếu (8 tuổi), đều là học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thị trấn Krông Kmar) khi qua mương nước N1, đoạn giáp ranh giữa tổ dân phố 1 và tổ dân phố 3 đã sơ ý bị rơi xuống nước. Hơn một giờ sau, người dân đi làm đồng về mới phát hiện thi thể của em Trung đang mắc kẹt ở cống điều tiết nước thuộc tổ dân phố 7. Riêng thi thể em Đức thì mãi đến 18 giờ 30 gia đình mới tìm được tại mương nước sát với xã Khuê Ngọc Điền. Được biết kênh dẫn nước N1 có chiều dài hơn 30 km được dùng để dẫn nước từ thác Krông Kmar phục vụ tưới tiêu, trong đó có nhiều đoạn đi qua khu vực dân cư nhưng suốt chiều dài kênh không hề có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc rào che chắn.
Trước đó, vào ngày 12 - 12, tại xã Ea Đrơng (huyện Cư M’gar) cũng đã xảy ra một vụ đuối nước làm 2 học sinh tử vong. Nạn nhân là em Y Smil Ayun (7 tuổi) và em Y Hùng Niê (8 tuổi), cùng học trường Tiểu học Nguyễn Khuyến. Vào khoảng 11 giờ, khi cùng một nhóm bạn đi ra hồ Ea Hưu để tắm, do mực nước sâu lại không biết bơi, nên 2 em đã bị đuối nước. Vụ việc đau lòng đã gây tâm lý bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân, bởi theo ông Y Blơn Ayun, Trưởng buôn Tah B thì lẽ ra vụ việc có thể được phòng ngừa nếu trước đó chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, lắng nghe, ghi nhận ý kiến của nhân dân. Theo tường thuật của ông Y Blơn Ayun thì trước đây khu vực hồ Ea Hưu vốn khô cạn nên người dân trong buôn thường sử dụng để chăn thả gia súc, đến năm 2014 thì một người dân đã tự ý thuê máy múc đất ở khu vực ven hồ để tích nước tưới cà phê (mực nước sâu khoảng 6 mét) nên tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao cho người và gia súc chăn thả gần đó, đặc biệt là trẻ em trong vùng. Người dân đã liên tục phản ánh việc này trong các lần tiếp xúc cử tri, nhưng chính quyền địa phương vẫn không đưa ra giải pháp khắc phục. Tai nạn xảy ra là điều đã được dự báo trước.
Được biết, hiện nay ngoài hệ thống các kênh mương, thủy lợi phục vụ việc tưới tiêu do nhà nước đầu tư, Đắk Lắk còn có hàng trăm ao, hồ tự nhiên, hoặc nhân tạo cùng với 833 con suối có độ dài trên 10 km, tạo nên một hệ thống sông suối dày đặc, phân bổ tương đối rộng khắp. Bên cạnh đó còn có không ít ao, hồ có mực nước sâu do người dân tự múc để phục vụ tưới tiêu. Qua khảo sát thực tế một số công trình kênh mương thủy lợi, sông suối tự nhiên cũng như ao hồ do người dân tự đào, có thể nhận thấy tất cả đều có cùng điểm chung là “thiếu hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm nguy hiểm”. Trong khi đó trẻ em, đặc biệt là những trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, một phần do thiếu sân chơi, một phần do bản tính hiếu động thường tìm đến khu vực có nước để vui đùa, bơi lội nên nguy cơ xảy ra đuối nước là rất cao. Thiết nghĩ để phòng ngừa tình trạng đuối nước ở trẻ em, hạn chế tối đa những vụ việc đau lòng xảy ra, bên cạnh việc quan tâm, huấn luyện kỹ năng bơi cho học sinh trong các trường học cũng như tăng cường công tác tập huấn, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý các tình huống nguy hiểm khi gặp tai nạn đuối nước cho thanh, thiếu niên thì đã đến lúc các ngành chức năng của tỉnh cần khẩn trương vào cuộc, đề ra những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để phòng ngừa tình trạng này. Trước mắt các địa phương, đơn vị đang xây dựng hoặc quản lý công trình thủy lợi cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn đối với công trình quản lý, xây dựng biển báo, biển cấm nguy hiểm, hàng rào ngăn cách để bảo vệ. Đối với các hộ dân tự ý đào ao phục vụ tưới tiêu phải đầu tư kinh phí, kéo lưới, rào quanh để che chắn, hạn chế, ngăn chặn, không để trẻ em vào chơi đùa, chăn thả gia súc…
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc