Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những người ở "xóm mù"

08:53, 16/01/2016

Nằm heo hút cuối tổ dân phố 7, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột có một xóm nhỏ tập trung nhiều người mù đến sinh sống khoảng mấy chục năm nay. Và cũng không biết từ khi nào, cái tên “xóm mù” được người dân gắn cho xóm nhỏ nghèo khó này…

Men theo con đường Trần Quý Cáp nhỏ hẹp với đất đá lởm chởm, chúng tôi tìm đến “xóm mù” trong một ngày cuối tuần. Lên con dốc ngay cạnh hồ Ông Giám tìm đến nhà ông Nguyễn Nghề (77 tuổi) thì vừa may gặp vợ chồng ông đi bán vé số về. Năm lên 3 tuổi, trong một lần bị bệnh, đôi mắt của ông đã không nhìn thấy gì nữa. Tuy bị khiếm thị nhưng khi đến tuổi trưởng thành ông Nghề vẫn theo gia đình tham gia cách mạng và là người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những năm 1990, ông từ Bình Định lên Đắk Lắk sinh sống tại xóm nhỏ nghèo này cho tới hôm nay. Ông Nghề chia sẻ: “Ngày trước ở đây chỉ có vài người mù sinh sống, sau này đi làm, gặp anh em đồng cảnh ngộ rồi rủ nhau đến đây định cư. Cách đây khoảng 5 năm, xóm mù có khoảng hơn 20 hộ, nhưng vì nhiều lý do nên hiện nay xóm chỉ còn 9 hộ người mù sinh sống sát cạnh nhau. Ở xóm mù này, mỗi người có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng mọi người đã đoàn tụ lại với mong muốn có cuộc sống bình yên”…

Gia đình ông Nguyễn Nghề trong căn nhà mới do các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng.
Gia đình ông Nguyễn Nghề trong căn nhà mới do các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng.

Dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng hằng ngày ông Nghề và vợ là bà Phạm Thị Diệu (68 tuổi) vẫn dắt nhau đi bán vé số dạo để  kiếm sống. Ông bà đi bán vé số từ mờ sáng đến tận chiều tối mới về. Hôm nào gặp nhiều khách thương tình, mua ủng hộ thì kiếm được năm bảy chục nghìn đồng. Ông Nghề cho biết, khoảng gần 10 năm trước, những người mù ở đây cũng có thành lập một cơ sở làm chổi đót, tăm, đũa tre để bán khắp nơi. Tuy nhiên, theo thời gian mô hình này không còn hiệu quả nên đã giải thể, mỗi người lựa chọn cho mình một kế sinh nhai khác nhau. Có người thì tiếp tục lấy chổi, tăm từ tỉnh khác về bán, người thì đi học xoa bóp rồi đi nơi khác làm… Chỉ còn lại mấy người già yếu ở lại đây với công việc bán vé số dạo.

Để đến nhà ông Đinh Khuya (55 tuổi, người dân tộc H’Rê), chúng tôi phải gửi xe ngoài đường rồi lội bộ xuống con dốc sâu hun hút lởm chởm đất đá. Hôm nay, do đau nhức khắp người nên ông Khuya ở nhà để mình vợ đi bán vé số. Đưa tay quệt vội dòng nước mắt vừa lăn xuống hõm má, ông nhớ lại: Năm 1972, khi còn ở Quảng Ngãi ông bị mù do ảnh hưởng hỏa lực của bom mìn. Năm 1992, vợ chồng ông dắt díu vào đây sinh sống. Thời gian đầu, ông cũng đi bán đồ lặt vặt để kiếm sống qua ngày, nhưng do ế ẩm, vợ chồng ông lại chuyển qua nghề bán vé số dạo. Cuộc sống hai vợ chồng đã khó khăn, ông bà còn phải nuôi thêm đứa cháu ngoại vì cha mẹ chúng phải đi làm thuê và bán vé số tận Đắk Nông, lâu lâu mới về thăm nhà. Trò chuyện thêm thì được biết, cách đây khoảng 10 năm, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng nhằm giải quyết bớt những khó khăn nhưng chẳng may lại bị kẻ gian vào nhà trộm hết. Không những lấy hết tiền, kẻ trộm còn lục lọi và lấy luôn các giấy tờ của gia đình ông, trong đó có giấy chứng nhận liệt sỹ của cha ông (liệt sỹ Đinh Đêm, hy sinh năm 1967). Ông Khuya tâm sự: “Cuộc sống gia đình tôi còn vất vả, khó khăn lắm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ý thức được rằng phải cố gắng lao động, chứ không thể ngồi đợi người khác giúp hay ra chợ ngồi ăn xin”.

Trong căn phòng trọ rộng khoảng 15 m2, không có món đồ nào giá trị ngoài chiếc tivi bé xíu, cũ kỹ, ông Võ Văn Niên (75 tuổi) kể về thân phận của mình: “Hồi thanh niên, trong một cơn bạo bệnh, đôi mắt tôi cứ mờ dần rồi không thấy gì nữa. Năm 2012, vợ chồng tôi từ Lâm Đồng sang Đắk Lắk sinh sống tại xóm này bằng nghề bán vé số dạo. Hằng ngày, tôi và đứa con trai thứ tư đi bán vé số từ 4 giờ chiều đến hơn 11 giờ đêm mới về nhà. Nhờ được mọi người thương nên mỗi ngày cũng bán được khoảng 100 tờ vé số, đủ để sống qua ngày”. Ông Niên cho biết, vì bản thân bị mù lòa, người con trai lại bị bệnh thần kinh nên không ít lần ông bị lừa gạt lấy mất cả tập vé số. Những lúc như vậy, chủ đại lý thương tình cho ông nhận vé mới đi bán rồi trả nợ dần. Tuy nhiên, theo ông Niên thì những người xấu chỉ là số ít, còn đa phần mọi người thương cảm mua giúp ông nhiều. “Nhà tôi có 7 người con, vợ thì quanh năm đau yếu nên cuộc sống cũng còn vất vả lắm. Tuy khó khăn nhưng chúng tôi không hề bi quan, đầu hàng số phận mà ngược lại càng phải cố gắng sống tốt để con cháu còn noi theo. Bằng tuổi này rồi, tôi chỉ còn canh cánh một nỗi lo là làm sao đứa con gái út có được việc làm đàng hoàng. Còn mấy tháng nữa là nó tốt nghiệp trung cấp mầm non rồi. Cả gia đình chỉ mỗi mình nó là được ăn học tới nơi tới chốn” - ông Niên tâm sự.

Chúng tôi rời xóm mù khi trời đã mịt tối, trong gian bếp của những người mù ánh lửa đã được thắp lên... Dẫu cuộc sống của những người mù nơi đây còn đang khó khăn, vất vả, nhưng ai cũng hy vọng rằng bằng sự nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm sẻ chia của những mạnh thường quân, nhà hảo tâm… họ sẽ không đơn độc trong cuộc sống.

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc