Nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn tại cơ sở: Những vấn đề đặt ra
Cán bộ Đoàn là người thực hiện vai trò cầu nối giữa thanh niên với tổ chức Đoàn, khơi dậy tinh thần xung kích, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Để nâng cao chất lượng hoạt động, phong trào, thu hút đoàn viên thanh niên tham gia, công tác cán bộ trong các tổ chức Đoàn tại cơ sở cần phải được quan tâm đúng mức.
Còn nhiều vướng mắc
Toàn tỉnh hiện có 183 cán bộ chuyên trách là Bí thư Đoàn các xã, phường, thị trấn trực thuộc 15 huyện, thị, thành đoàn. Chất lượng hoạt động của phong trào thanh niên ở cơ sở có đóng góp rất quan trọng đối với phong trào thanh niên toàn tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ Đoàn chưa được quan tâm triển khai thực hiện đúng mức. Đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách tuyến xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Theo thống kê của tỉnh Đoàn, tính đến năm 2015, toàn tỉnh có 14 cán bộ Đoàn cơ sở chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn. Cá biệt có trường hợp Bí thư Đoàn xã trình độ học vấn chỉ 10/12 hay vừa công tác vừa đi học bổ túc trung học phổ thông…
Cán bộ Đoàn cơ sở tham gia Trại tập huấn cán bộ Đoàn năm 2015. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều Bí thư Đoàn cơ sở đến tuổi trưởng thành Đoàn hoặc quá tuổi quy định mà vẫn chưa bố trí được công việc khác. Đơn cử như anh Lê Minh Thắng, Bí thư Đoàn xã Ea Sol (huyện Ea H’leo), sinh năm 1969, bản thân anh từng là cán bộ Đoàn giỏi, năng nổ sáng tạo trong việc thu hút thanh niên địa bàn tham gia tổ chức Đoàn, Hội. Được biết anh Thắng nằm trong diện quy hoạch một số vị trí song do biên chế cấp xã có hạn nên chưa thể luân chuyển được. Anh Thắng tâm sự: "Tham gia tổ chức Đoàn, tôi không chỉ được rèn luyện bản thân mà còn được trang bị thêm rất nhiều kiến thức. Mặc dù tâm huyết và lòng nhiệt tình vẫn như xưa nhưng sự năng động, xông xáo thì không thể bằng lớp trẻ. Tôi rất muốn được chuyển sang làm một công việc phù hợp với tuổi tác, trình độ chuyên môn”. Ngoài ra, kinh phí hoạt động Đoàn cơ sở còn eo hẹp (7 triệu đồng/xã/năm), chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ Đoàn còn thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu niên tại nhiều địa phương khá trầm lắng, nhiều cán bộ Đoàn xã tham gia một thời gian, cuộc sống khó khăn nên đã nghỉ đi làm công việc khác. Theo anh Bùi Trọng Hoàng, Bí thư Đoàn thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo), đặc thù công việc đòi hỏi cán bộ Đoàn xã phải thường xuyên đến sinh hoạt cùng các chi đoàn thôn, buôn. Nhưng để làm được điều này, cần có một chế độ đãi ngộ hợp lý để họ chuyên tâm vào công việc nhiều hơn. Anh Hoàng chia sẻ “Muốn đẩy mạnh các phong trào, hoạt động tại địa phương thì đòi hỏi cán bộ Đoàn phải nhiệt tình, sâu sát với cơ sở. Tuy nhiên, điều đó khó có thể duy trì thường xuyên khi kinh phí trang trải cuộc sống của họ còn hạn hẹp”.
Gỡ khó từ cơ sở
Để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như tập hợp thanh niên ở các khu dân cư tham gia tổ chức Đoàn, Hội, thời gian qua, nhiều cơ sở Đoàn đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) là địa phương có nhiều thanh niên đi học, đi làm ăn xa, vì thế việc thu hút, tập hợp thanh niên vào sinh hoạt Đoàn không đồng đều. Các hoạt động Đoàn thường chỉ sôi nổi vào thời điểm đầu năm và dịp hè, khi học sinh, sinh viên đi học xa trở về địa phương. Anh Y Ner Bkrông, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Chất lượng hoạt động của chi đoàn thôn, buôn phụ thuộc vào sự năng động, quyết tâm của đội ngũ bí thư chi đoàn. Xác định điều đó, Đoàn xã đã tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên là người dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo xây dựng các mô hình kinh tế, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhờ vậy trong những năm trở lại đây, cùng với sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ cán bộ Đoàn thì hoạt động chi đoàn tại các thôn, buôn đã có hiệu quả, việc tập hợp thanh niên tham gia các phong trào trở nên sôi nổi hơn. Riêng năm 2015, có 150 thanh niên là người dân tộc thiểu số, tôn giáo tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội của địa phương”.
Tại huyện Krông Ana, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn tham mưu cho Huyện ủy thực hiện tốt việc quy hoạch 8/8 Bí thư Đoàn xã là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ các xã, thị trấn; luân chuyển 2 người từng là Bí thư Đoàn xã Băng Adrênh sang giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã. Với Thành Đoàn Buôn Ma Thuột, công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn cấp xã, phường luôn được quan tâm. Những năm qua, Ban Thường vụ Thành Đoàn thường xuyên cử cán bộ Đoàn cơ sở tham dự các khóa huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ do Đoàn cấp trên tổ chức; đồng thời duy trì thường xuyên hoạt động tập huấn, trại huấn luyện hằng năm. Đến nay, 100% cán bộ Đoàn chuyên trách cấp xã, phường của thành phố bảo đảm các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và độ tuổi. Anh Y Quý Niê Siêng, Phó Bí thư Thành Đoàn cho biết: “Thành Đoàn luôn tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Đối với những cán bộ Đoàn gần quá tuổi quy định sẽ có phương án ưu tiên bố trí vào những vị trí phù hợp với năng lực và sở trường”.
Thiết nghĩ, việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn, đặc biệt là các tổ chức Đoàn cơ sở hiện nay rất quan trọng và cấp thiết. Muốn thực hiện hiệu quả, một trong những yếu tố hàng đầu là đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục. Đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ xây dựng các chương trình phối hợp cũng như tạo điều kiện về kinh phí hoạt động của đoàn viên thanh niên tại địa phương.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc