Nghệ nhân làm công tác dân vận...
Nghệ nhân H’Ru Kdoh (thứ 2 từ phải sang) trong một dịp tham gia sinh hoạt văn hóa ở xã Ea Tul. |
Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc hằng năm ở buôn Triă (xã Ea Tul) thực sự là ngày vui ở buôn làng với tiếng cồng chiêng rộn rã, lời ca tiếng hát rộn ràng. Với vai trò là cán bộ Mặt trận buôn, nghệ nhân Y Wang Hwing (65 tuổi) không thể không có mặt. Chỉnh cây đàn goong, ông tấu lên một khúc nhạc réo rắt, rồi cất giọng hát kưut: “Này cháu trai, này em gái, tôi lấy làm vui mừng mà nhắn đến mọi người, ai nấy chăm chỉ làm ăn lên nương lên rẫy, con em thì đưa đến trường, đến lớp học lấy điều hay từ Đảng, Nhà nước. Tôi dặn các anh em, bà con chú bác và các cháu chớ nghe lời con chim rừng hót, đừng nghe lời xúi dại của người ngoài. Điều quan trọng quý giá đang ở trước mắt chúng ta. Con đường được rải nhựa, mở rộng, tương lai tươi sáng. Hỡi buôn ơi, buôn à, hãy cùng trồng cà phê cho nhiều, trồng cao su cho rộng, đây là những cây trồng đã làm nên thương hiệu cho chúng ta trong lòng bạn bè mọi nơi. Đảng và Bác Hồ đã cho ta cõi này, các chàng trai, cô gái hãy cùng nhìn xem, nước non đã thống nhất một dải từ Bắc tới Nam, chúng ta cùng một dòng dõi tổ tiên nên hãy chung sức chung lòng hỡi các anh em, chị em”. Y Wang càng hát càng say, hết bài này ông hát sang bài khác, rồi nói lời nói vần cho bà con buôn làng nghe, khuyên mọi người phải đoàn kết làm ăn, tuân thủ pháp luật, sống hiền lành lương thiện...
Nghệ nhân Y Wang Hwing đang biểu diễn sáo. |
Tham gia công tác dân vận từ năm 1997, Y Wang Hwing không chỉ là một nghệ nhân đa tài mà còn là cán bộ Mặt trận nhiệt tình, trách nhiệm. Để làm tốt công tác vận động bà con, ông tự đặt lời mới cho những điệu hát ayray, hát kưut truyền thống, kho tàng lời nói vần của ông bà khuyên răn những điều hay lẽ phải cũng được ông sử dụng. Trong buôn, trong xã có sự kiện gì hay nhà ai có việc, Y Wang lại xách cây đàn goong và cây sáo đến. Y Wang tâm sự: “Mình không nghĩ là bà con thờ ơ với văn hóa truyền thống đâu. Chẳng qua là bây giờ ai cũng lo làm ăn, mùa rẫy làm quanh năm, hết cà phê, cao su rồi lại ngô, sắn, lúa... có bao giờ hết việc đâu. Không rảnh rỗi nên cũng không còn những mùa “ăn năm, uống tháng”, những đêm nghe sử thi đến sáng mà mỗi sử thi kéo dài vài đêm. Ai không tự hào với văn hóa truyền thống mà ông bà để lại chứ? Năm 2014, biểu diễn trong lễ hội dân gian “Kaustinen folk festival” ở Phần Lan, sau khi nghe mình hát sử thi, khán giả, cả Tổng thống cũng đứng lên vỗ tay tán thưởng và bảo rằng chưa bao giờ nghe một thứ gì độc đáo, đặc sắc như thế. Người nước ngoài còn thích, người dân tộc mình sao không tự hào? Mình viết lời mới cho những điệu hát kưut, ayray vừa để tuyên truyền, vận động bà con vừa để đồng bào yêu hơn văn hóa của mình”.
Đang bận rộn mùa rẫy nhưng nghe cán bộ xã báo có sự kiện gì là nghệ nhân H’Ru Kdoh (thường gọi là Amí Choang) ở buôn Phơng lại bỏ mọi việc đấy, phóng xe về ngay. Từng là cán bộ dân số xã, rồi làm công tác Mặt trận ở buôn, Amí Choang đã quen với những cuộc họp dân cũng như những dịp biểu diễn, sinh hoạt văn hóa. Bố là nghệ nhân Y Ơm Niê, ngay từ nhỏ Amí Choang đã được tiếp xúc, rồi say mê hát ayray, múa dân gian, đặc biệt là thuộc rất nhiều lời nói vần. Không chỉ đi biểu diễn khắp nơi, với vai trò là cán bộ Mặt trận, Amí Choang còn vận dụng những vốn văn hóa mình có vào công tác dân vận ở địa phương. Trong nhiều cuộc họp dân hay đi vận động bà con, bà lại cất tiếng hát với những lời mới tự đặt ca ngợi cuộc sống mới hoặc nói lời nói vần khuyên răn mọi người đoàn kết, yêu thương nhau, chăm lo lao động, tuân thủ luật pháp, giữ gìn văn hóa, luật tục... Amí Choang bộc bạch: “Máu văn nghệ ngấm vào người rồi. Ngày nhỏ, đi hái rau rừng, lên nương rẫy thấy con chim hót, nhìn chiếc lá rơi cũng xúc động cất lên tiếng hát. Bây giờ cũng có khác đâu, thấy con đường mới, nhìn cảnh no đủ của buôn làng, mình cũng hát, hát để ca ngợi cuộc sống chớ”. Nói rồi, Amí Choang chỉ ra con đường bê tông chạy ngang trước nhà, hát một bài ayray: “Này cô gái ơi, tôi cảm thấy vui trong lòng. Ngày xưa con đường này rất nhỏ hẹp, giờ đã được mở rộng thênh thang, ngõ đông ngõ tây rộng dài tít tắp. Nông thôn mới chúng ta đã tiến rất gần rồi”...
Còn nhiều nghệ nhân khác ở Ea Tul như Y Dhin Niê (buôn Triă), H’Nhe Niê (buôn Phơng), Y Kut Niê (buôn Yao)… cũng chọn làm mới văn hóa như một cách để giữ gìn bản sắc truyền thống. Những bài hát dân gian mang lời mới trình diễn trong dịp lễ hội của buôn làng giúp bà con tiếp cận với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước dễ dàng hơn, tiếp thêm niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống mới đang đổi thay, yêu và gắn bó hơn với văn hóa truyền thống của mình. Anh Y Thóc Niê, cán bộ văn hóa xã Ea Tul cho biết: “Thanh niên trong xã bây giờ lên nương, lên rẫy cũng ngân nga những bài hát ayray, hát kưut, đối đáp nam nữ… Họ cũng thuộc một số luật tục của buôn làng nhờ được nghe các nghệ nhân nói lời nói vần trong các lễ hội, sinh hoạt ở buôn, xã. Cách nghệ nhân đặt lời mới tuyên truyền về nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa… trong các bài hát, lời ca khiến bà con rất thích thú”.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc