Nỗi niềm phóng viên báo Đảng
Hơn mười năm gắn bó với Báo Đắk Lắk, có lẽ quãng thời gian chưa phải là dài nhưng cũng đủ đầy thử thách cho những phóng viên như tôi có được tình yêu và niềm đam mê thực sự để gắn bó với nghề đi và viết…
Còn nhớ, trong một lần liên hệ công việc, một chủ doanh nghiệp khi nghe nhắc đến báo chí thì rất dè dặt, nhưng khi được nghe giới thiệu là phóng viên của Báo Đắk Lắk thì vị chủ doanh nghiệp này đã “cởi mở”, thiện chí hơn trong trao đổi và cung cấp thông tin. Rồi những chuyến đi về các xã vùng sâu, vùng xa, chúng tôi luôn được chính quyền địa phương nơi đây tận tình giúp đỡ. Năm 2014, khi đến dự lễ mừng cơm mới cùng với bà con đồng bào Xê Đăng ở buôn Kon H’ring, xã Ea H’đinh (Cư M’gar), chúng tôi được bà con đón tiếp thân tình và nồng hậu, gần gũi như người thân trong buôn làng. Không chỉ cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của lễ hội, anh A Mang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Cư M’gar còn hướng dẫn tận tình các nghi thức để tôi cùng tham gia lễ hội với buôn làng. Sau khi bài viết “Nghe chiêng ở buôn Kon H’ring” được đăng, tin nhắn ngắn gọn của A Mang: “Được lắm!” như một sự động viên, giúp tôi có thêm động lực để nỗ lực không ngừng, cố gắng đi và viết bằng trí tuệ, tình cảm, làm thế nào để bài viết của mình có thể chạm đến được trái tim của bạn đọc.
Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015. |
Tuy nhiên, nghề đi và và viết cũng không tránh khỏi những cú “sốc”. Có lần tôi gọi điện thoại cho một vị hạt trưởng hạt kiểm lâm để liên hệ công việc, sau khi nói nội dung cần trao đổi thì được nhận lại câu trả lời từ đầu dây bên kia là “số điện thoại này anh K. bán cho tôi rồi chị nhé”. Tưởng mình bấm nhầm số, một lúc sau, gọi lại thì nghe giọng nữ trả lời: “Điện thoại này của khách hàng mang đi sửa. Chị thông cảm nhé!”. Nghĩ rằng người dùng đã thay đổi số, tôi đành nhờ cộng tác viên ở cơ sở liên hệ giúp, thì mới hay vị lãnh đạo ấy vẫn dùng số mà tôi vừa liên lạc, sim không hề bán mà máy cũng chẳng hề mang đi sửa (!). Còn hai đồng nghiệp của tôi, trong một lần đi cơ sở cũng gặp chuyện không kém phần éo le. Mặc dù đã liên hệ và thống nhất với lãnh đạo xã nội dung làm việc vào sáng hôm sau, nhưng khi đến nơi, người tiếp phóng viên lại bảo lãnh đạo vừa có công việc nên không có ở văn phòng. Chỉ đến khi một phóng viên ra ngoài gọi điện, vị lãnh đạo đó không nghe máy mà quay sang hỏi nhân viên văn phòng: “Số điện thoại có đuôi…xx là của ai?”, thì mới vỡ lẽ là cả nhân viên lẫn lãnh đạo đang “diễn kịch”. Rồi có những hội nghị quan trọng của một số ngành, người phục vụ chỉ phát tài liệu cho phóng viên báo trung ương, còn phóng viên báo tỉnh thì được thông báo: “Hết tài liệu, thông cảm, anh chị đi mượn photo lại nhé!”. Những tình huống như thế chúng tôi gặp không phải ít nhưng cũng đành phải “chín bỏ làm mười”... Thêm một cái khó của những người làm báo Đảng địa phương đó là làm sao để bài viết hấp dẫn được bạn đọc. Viết cho báo ngành có thể thoải mái giật “tít”, thậm chí giữa tít với nội dung bài viết nhiều khi chẳng ăn nhập, nhưng viết báo Đảng thì điều đó lại là “cấm kỵ”. Ngay cả khi thông tin về các vụ việc cũng phải cân đối liều lượng và mức độ thông tin chứ không thể cứ “đẩy” vấn đề lên, đôi khi còn vẽ vời thêm cho hấp dẫn để câu khách như một số tờ báo…
Dẫu vẫn còn những nỗi niềm, nhưng những người làm báo Đảng địa phương như chúng tôi vẫn luôn tự trau dồi kiến thức, bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin, sự kiện để kịp thời chuyển đến độc giả những thông tin sống động của đời sống xã hội. Chia sẻ những buồn vui của nghề cũng là để tìm sự đồng cảm, sẻ chia chứ chưa có ai vì những nỗi niềm ấy mà có ý định rời xa cây bút.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc