Multimedia Đọc Báo in

"Sống" được với nghề

09:45, 29/01/2016

Đã có sự dịch chuyển trong lựa chọn ngành nghề của học sinh (HS) trung học phổ thông hiện nay. Thay vì nhất định phải thi đỗ vào một trường đại học dù trái năng lực, sở thích thì giờ có nhiều HS  đã lựa chọn học nghề.

Cử nhân đi học nghề

Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng sinh viên (SV) tốt nghiệp ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đi học nghề tại các trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng tình trạng này đang diễn ra, trong đó có cả cử nhân bằng loại Giỏi. Tốt nghiệp ngành Lý luận chính trị Trường Đại học Tây Nguyên năm 2014, loay hoay không xin được việc làm, Phạm Tấn Phát quyết định học lớp trung cấp nghề kỹ thuật điêu khắc gỗ Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Phát thổ lộ: “Từ năm học thứ 3, em đã biết mình lựa chọn sai ngành nghề, nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên em không thể “bỏ cuộc giữa chừng” để thử sức thi đại học một lần nữa. Nghe bố mẹ, bạn bè, thầy cô giáo khuyên là nhiều cơ quan, đơn vị ưu tiên tuyển dụng nhân sự có bằng loại Giỏi, em đã nỗ lực học tập, rèn luyện dù phải làm việc bán thời gian kiếm tiền trang trải việc học”. Sau khi tốt nghiệp, với tấm bằng loại Giỏi trong tay, nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng không thấy phản hồi, Phát đành đi làm nhiều việc lặt vặt, từ phụ bán quán cà phê, quán nhậu, đến làm giò chả, nhân viên bảo vệ cho một công ty… Trong một lần đến nhà người bạn nối khố bây giờ là chủ một xưởng mộc ở TP. Buôn Ma Thuột, Phát quyết định nộp hồ sơ học nghề kỹ thuật điêu khắc gỗ.

Học sinh  lớp trung cấp  điện tử Công nghiệp Trường  Cao đẳng Nghề  thanh niên dân tộc  Tây Nguyên thực hành nghề.
Học sinh lớp trung cấp điện tử Công nghiệp Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên thực hành nghề.

May mắn hơn Phát, năm 2009 tốt nghiệp ngành Chế biến lương thực thực phẩm của Trường Đại học Cần Thơ, Lâm Ngọc Bình được tuyển dụng vào làm nhân viên tại Trạm Bảo vệ thực vật huyện Krông Búk. Nhưng 4 năm đại học chủ yếu học lý thuyết, với lại làm việc trái ngành nghề được đào tạo nên không phát huy được năng lực, sở trường, vì vậy Bình quyết định học nghề Bảo vệ thực vật tại Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, một phần để nâng cao tay nghề, mặt khác có kiến thức để hỗ trợ gia đình làm nông nghiệp. Bình chia sẻ: “Hầu như HS nào cũng có ước mơ thi đỗ vào một trường đại học. Và bố mẹ nào cũng mong muốn con em mình sau khi tốt nghiệp có một việc làm ổn định. Song thực tế không như vậy, học là một chuyện, tìm được một việc làm lại là việc khác. Đại học không phải là con đường duy nhất lập thân, lập nghiệp; không ít HS, SV  trường nghề đã có việc làm ổn định với thu nhập khá”.

Tự tin khởi nghiệp bằng nghề đã học

Trong không khí tất bật của những ngày cuối năm Ất Mùi, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi gà của Nguyễn Đức Quận (thôn 11, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Dù đã hẹn trước, câu chuyện giữa chúng tôi với “ông chủ trẻ” liên tục bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại của các “mối” mua gà. Tốt nghiệp lớp cao đẳng Thú y Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên năm 2014, Quận đi làm cho công ty tiếp thị thuốc Thú y, nhưng chỉ được vài tháng và quyết định nghỉ việc về nhà mở trang trại nuôi gà với quy mô 4.000-5.000 con. Quận cho biết: “Người chăn nuôi gà năm nay lỗ nặng do giá cả xuống thấp. Hiện em không nuôi gà Lương Phượng nữa mà chuyển sang nuôi gà ri, gà ta, gà Mông phục vụ cho thị trường Tết Bính Thân. Gần đây, giá các loại gà đang nhích dần lên, với 400 con gà Mông và trên 1.000 con gà ta, hy vọng sẽ thu hồi được vốn để tiếp tục đầu tư nuôi lứa mới”. Trò chuyện với chúng tôi, Quận lạc quan: “Làm ăn có lúc được, lúc mất, quan trọng là biết nắm bắt nhu cầu thị trường. Sau Tết Nguyên đán, em sẽ đầu tư xây dựng thương hiệu gà Mông, bởi loại gà này được các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh ưa chuộng, giá cả cao, ổn định”.

Tương tự, tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành công nghệ thông tin, Y Nuc Ra Lan và hai người bạn quyết định mở cửa hàng Tin học Nick Computer ở đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) để lập nghiệp. Y Nuc cho biết: “Cửa hàng mới khai trương vài tháng nên chưa đông khách, một phần do chưa có “thương hiệu” nên chưa tạo lập được niềm tin với khách hàng”. Năm 2007, Y Núc thi vào khối A Trường Đại học Tây Nguyên nhưng không đỗ, em liền nộp hồ sơ học ngành công nghệ thông tin của Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Đang học, Y Núc được nhà trường tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản theo chương trình hợp tác của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội. Sau 3 năm lao động, Y Núc tích cóp được khoảng 300 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp, quan trọng hơn đã tích lũy kỹ năng, tác phong làm việc của người Nhật. Về nước, Y Nuc quay lại trường hoàn thành chương trình học, sau đó về TP. Hồ Chí Minh học thêm một khóa đào tạo về phần cứng máy tính để mở cửa hàng sửa chữa, bán linh kiện máy tính.

Thầy Vũ Hùng Mạnh, Phó Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên cho biết: “Những năm học trước, đối tượng nhập học hệ trung cấp đa phần là HS tốt nghiệp THCS, hệ CĐ là HS tốt nghiệp THPT. Thế nhưng gần đây, có cả SV tốt nghiệp ĐH, CĐ hoặc đang học ĐH, CĐ đăng ký học nghề. Đơn cử năm học 2014-2015 có 4 SV đăng ký học nghề, còn năm học 2015-2016 là 13 SV”. Còn tại Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk hiện có 10 SV đang học nghề. Lý do SV tốt nghiệp ĐH quay lại học nghề khá rõ ràng là để dễ tìm việc làm. Qua nắm bắt thông tin của các trường nghề trên địa bàn tỉnh, SV một số ngành như: Hàn,  Điện, Công nghệ ô tô vừa tốt nghiệp đã vó việc làm với mức lương từ 6 triệu đồng/tháng (làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột); còn làm tại khu công  nghiệp Hà Tĩnh trung bình mỗi tháng trên 20 triệu đồng.

Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội thì cả nước hiện có gần 178.000 người tốt nghiệp ĐH, sau ĐH thất nghiệp, đây là con số rất đáng suy nghĩ. Cuối năm 2015, đất nước ta đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội việc làm sẽ đến nhiều hơn, song cũng không ít thách thức đối với lao động trong nước về trình độ chuyên môn, tác phong, thái độ và trình độ ngoại ngữ. Điều này đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước, các trường nghề trong tỉnh cần có sự thay đổi, đổi mới công tác đào tạo nghề phù hợp theo nhu cầu của thị trường.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc