Multimedia Đọc Báo in

Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở một xã vùng sâu

06:45, 28/02/2016
Xã Cư Pui là xã đặc biệt khó khăn nằm ở vùng sâu huyện Krông Bông, có dân số gần 13 nghìn người; trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhờ cách làm hay, diện mạo cơ sở hạ tầng ở đây đã có nhiều đổi thay, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Cư Pui trở thành một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Bông.

Trong gần 5 năm, xã Cư Pui được đầu tư 87,642 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp để xây dựng hạ tầng nông thôn. Điều đáng nói là, dù tỷ lệ hộ nghèo trên 30% nhưng Cư Pui đã huy động nhân dân đóng góp được 776 triệu đồng tiền mặt, 2.575 ngày công, hiến 153.810 m2 đất, 359 cây cà phê và hơn 1 ha sắn để xây dựng đường giao thông nội vùng, đường điện chiếu sáng, sân thể thao, đường ngầm qua suối; chưa kể bà con còn đóng góp hàng ngàn ngày công, hàng trăm triệu đồng để làm phòng học tạm, sửa cầu, xây dựng nhà cộng đồng… Đến nay, đường giao thông nội vùng của các thôn, buôn trên địa bàn xã đều đã được bê tông, nhựa và cấp phối; có 3 buôn, 1 thôn kéo điện đường; chợ nông thôn được hình thành; trường, trạm được xây dựng khang trang; các thôn, buôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng; nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng; mức thu nhập của người dân được nâng lên.

Học sinh đang học tại điểm trường thôn Ea Bar, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).
Học sinh đang học tại điểm trường thôn Ea Bar, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).

Để đạt được kết quả như trên, xã Cư Pui đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hợp lòng dân. Trước đây, xã Cư Pui chưa có chợ, chỉ có vài người bán hàng rong dọc Tỉnh lộ 12. Xã đã quy hoạch mặt bằng chợ, mời bà con về xây ki-ốt bán hàng mà không thu tiền, miễn thuế. Với cách làm ấy, chỉ sau hơn 1 tháng, chợ đã được hình thành, tiểu thương nhiều nơi tập trung về đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng các ki-ốt với đa dạng hàng hóa phục vụ bà con. Hay khi vận động đồng bào Mông đóng góp 520 triệu đồng giải phóng mặt bằng xây dựng trường học, UBND xã đã vận động cả cán bộ, công chức, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cùng đóng góp, chia sẻ. Nhờ vậy, bà con vui vẻ đóng góp không thiếu một đồng. Giờ đây, ngôi trường kiên cố 2 tầng khang trang đang dần hoàn thiện, nằm ngay trung tâm của các thôn, giúp hàng trăm trẻ em hằng ngày không còn phải vượt hàng chục cây số đường đèo dốc, lầy lội để đến trường, không còn phải ở nội trú. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui tâm sự: “Mới đầu người dân chưa hiểu, chưa thấy được lợi ích công sức, tiền của mà mình bỏ ra nên họ còn nghi ngờ, phản đối. Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định: Làm việc đem lại lợi ích cho dân thì sớm muộn dân sẽ hiểu, sẽ đồng tình, ủng hộ; điều quan trọng là vận động thế nào, làm ra sao, hiệu quả đến đâu... Cư Pui đã làm rất tốt những việc này. Nhiều hộ đã hiến hàng trăm mét vuông đất mà không cần đền bù, mỗi hộ đóng góp hàng triệu đồng làm đường, trường học, nhà cộng đồng, kéo điện”. Bằng nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp, địa phương hỗ trợ, hiện nay Cư Pui đã có 3 buôn và 1 thôn dọc Tỉnh lộ 12 có điện đường chiếu sáng với kinh phí gần 400 triệu đồng, trong đó địa phương hỗ trợ hơn 30%, còn lại nhân dân đóng góp. Trong những năm vừa qua, 5 thôn đồng bào Mông đã tự đóng góp xây dựng 5 nhà sinh hoạt cộng đồng trị giá gần 500 triệu đồng. Ông Sính Chứ Chơ, Trưởng thôn Ea Uôl chia sẻ: “Đồng bào Mông thôn Ea Uôl còn nghèo nhưng khi thôn vận động đóng góp gần 100 triệu đồng làm nhà cộng đồng, mua bàn ghế để làm chỗ hội họp, sinh hoạt, không phải họp nhờ nhà dân thì ai cũng đồng ý. Năm 2015 vừa qua, mỗi hộ trong thôn còn đóng góp 700.000 đồng mua đất xây dựng phòng học để con em không phải đi học xa”...

Dù còn nhiều khó khăn, đến nay mới hoàn thành 6 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một số tiêu chí quan trọng chưa đạt được nhưng cấp ủy, chính quyền xã Cư Pui xác định: Quyết tâm xây dựng nông thôn mới nhưng không chạy theo thành tích, phát triển thật vững chắc, trong đó mục tiêu hàng đầu là đời sống kinh tế - xã hội của bà con được nâng lên.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.