Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động

07:15, 21/02/2016
Hoạt động xuất khẩu lao động chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đây là nhận định của các ngành chức năng tại Hội nghị tổng kết chương trình việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây. Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động?

Trong giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh có 3.333 lao động đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) (đạt 95,22% kế hoạch), tập trung ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Trung Đông… Bình quân hằng năm lượng ngoại tệ từ người đi xuất khẩu lao động gửi về cho gia đình khoảng 3.000 – 3.500 USD/người/năm (khoảng 60 – 70 triệu đồng). Đây là nguồn vốn đáng kể giúp gia đình họ ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nguyên nhân là do phần lớn người lao động vẫn muốn tham gia các thị trường có mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng trình độ tay nghề và kinh phí để trang trải chi phí ban đầu không đáp ứng được. Những người có trình độ chuyên môn không muốn tham gia xuất khẩu lao động, trong khi đó, đối tượng đăng ký đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn hạn chế, khả năng tiếp thu kiến thức chậm. Nhiều người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nhưng nguồn vốn vay không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, giai đoạn 2012-2015, từ nguồn vốn được bố trí, đã giải ngân hơn 3,4 tỷ đồng cho 136 hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động, bình quân 25 triệu đồng/hộ, thấp hơn nhiều so với chi phí ban đầu (từ 50-120 triệu đồng) để đi làm việc ở nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, đạt mục tiêu đưa 3.500 người đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn 2016-2020, thời gian tới, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc làm hộ chiếu, phiếu lý lịch tư pháp, khám sức khỏe, cần chuẩn bị đủ vốn vay cho số lao động khi có hợp đồng đi làm việc nước ngoài, đồng thời thông tin rộng rãi, phổ biến rõ các thủ tục cho người lao động được vay vốn xuất khẩu lao động, tránh tình trạng phải đi lại nhiều lần. Tăng cường công tác giải quyết việc làm cho người lao động đi xuất khẩu lao động trở về, tái hòa nhập cộng đồng. Ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh nếu tư vấn, tuyển chọn, ký hợp đồng không bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tích cực tìm kiếm những thị trường, đơn hàng không đòi hỏi quá cao về trình độ học vấn, tay nghề, chi phí thấp, mức lương ổn định nhằm thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.