Đứa con của rừng
Hoàng Tuấn Vũ – một chàng trai trẻ thừa nhận mình là đứa con của mẹ rừng và đang dành tất cả tâm huyết của mình cho mục đích bảo vệ những cánh rừng.
Lòng vòng mãi mới tìm được nhà của Vũ tại thôn 16, xã Ea Pal, huyện Ea Kar. Gặp chàng trai sinh năm 1985, mới nhìn vẻ bề ngoài là biết ngay “người của rừng” bởi thân hình khỏe khoắn, chắc nịch và linh lợi. Vũ bộc bạch, rừng như một cơ duyên gắn chặt với mình từ nhỏ, sinh ra giữa rừng, lớn lên giữa rừng và coi rừng là cuộc sống của mình. Vũ là con của hai vợ chồng công nhân khai thác gỗ tại Lâm trường Chúc A (huyện Hương Khê - Hà Tĩnh), chẳng biết rừng có sức hút thế nào mà cậu bé mới lên năm đã lon ton theo cha mẹ lên rừng từ sáng đến tối. Lên 6 tuổi, Vũ cùng gia đình vào Tây Nguyên và sinh sống giữa vùng rừng núi, xung quanh bạt ngàn đồng cỏ. Với tình yêu mãnh liệt với rừng, bước vào đại học, Vũ lặn lội một mình băng qua nhiều cánh rừng từ Bắc vào Nam như rừng Cúc Phương, Bạch Mã, Quảng Nam, Tây Nguyên hay miền Tây Nam Bộ. Đối với chàng trai này, đến với rừng là cách để trở về với chính mình và cảm nhận từng hơi thở của rừng. Trong những chuyến đi, chuyện vắt cắn, muỗi rừng chích, chân tay tứa máu hay thậm chí là gặp thú dữ với Vũ chỉ là chuyện nhỏ. Có lần đi rừng mang lại cho cậu kỷ niệm nhớ đời như lần xuyên rừng Bạch Mã vào tháng 5-2015. Hành trình là đi ngược dòng Cu Đê tại vịnh Nam Ô dưới chân đèo Hải Vân thuộc địa phận TP. Đà Nẵng qua Bà Nà, suối Mơ, Tà Lang, Giàn Bí, xuyên rừng Bạch Mã và kết thúc tại vùng biển Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Rắc rối bắt đầu xảy ra vào ngày thứ 5 của chuyến Trekking (đi xuyên rừng) khi “người của rừng” bị… lạc giữa rừng trong đêm tối với cơn mưa rả rích. 4 giờ chiều hôm ấy, khi dựng lán và nấu cơm xong, Vũ lang thang núi rừng dò đường cho ngày hôm sau nhưng khi quay về thì bị lạc. Những lối mòn trên núi cứ dài bất tận, đi hướng nào thì lòng vòng một lúc lại trở về chỗ cũ. Đói, rét run người, những kỹ năng sinh tồn có được sau nhiều lần được vận dụng, cậu nhai chút đường còn sót trong túi áo và rọi đèn pin hái mấy trái cây rừng ăn để lấy lại sức. Thật không may, con dao nhỏ - vật dụng không thể thiếu của người đi rừng lại bị rơi đâu mất, phải mò mẫm vạch lá rừng tìm rất lâu mới thấy. Có dao, chàng “Tác-dăng” nghĩ ra một cách gỡ rối là đi đến đâu sẽ chặt vài lá cây dương xỉ đặt chĩa về một hướng, con đường cuối cùng không có lá cây chính là đường đúng nhất về lán. Cứ như thế, đến gần 12 giờ đêm, Vũ mới về đến chỗ nghỉ với cơ thể tả tơi, chân loang lổ máu vì bị vắt cắn. Sáng ngày thứ 6, cậu tiếp tục luồn rừng theo con đường duy nhất men theo hẻm núi đến khi mặt trời sắp tắt cũng là lúc hình ảnh đầm Lập An hiện ra ở phía xa, hành trình xuyên Bạch Mã đã thành công…
Đồng cỏ tuyệt đẹp ở rừng Khánh Thượng – Khánh Hòa được Vũ ghi lại (ảnh nhân vật cung cấp). |
Bố mất sớm, phải cáng đáng việc nương rẫy giúp gia đình, tranh thủ lúc nông nhàn, Hoàng Tuấn Vũ lại vác ba lô vào rừng, lâu lâu không đi thì… bị ốm. Điều đầu tiên thôi thúc Vũ tìm đến với rừng là đi để hiểu về rừng, khám phá địa hình, địa chất và hệ sinh vật; tất cả đều được ghi chép, lưu trữ lại làm tư liệu để tìm hiểu, nghiên cứu thêm. Một nguyên tắc của “người rừng” là không lấy cái gì của rừng ngoài mấy loại quả, lá rừng ăn chống đói khi cần. Cậu cũng coi mình là một phần của rừng, như những cá thể sống giữa rừng. Không chỉ hòa mình vào thế giới của rừng, chàng trai này cùng ăn cùng ở với những cộng đồng người dân tộc thiểu số ở những miền rẻo cao. Ở đó, cậu được đồng bào chia sẻ về bí kíp đi rừng, chỉ dạy những loại cây rừng ăn được, những bài thuốc chống sốt rét, chữa đau khớp hay bị rắn cắn. Cũng qua những chuyến đi đã giúp Vũ hiểu biết thêm về rừng và vai trò của rừng đối với con người.
Hoàng Tuấn Vũ và mẩu xương động vật khô nhặt từ rừng về để tìm hiểu. |
Bên cạnh niềm vui và tình yêu đối với rừng, trong lòng Vũ vẫn mang nhiều nỗi day dứt khi chứng kiến những con thú rừng bị xẻ thịt không thương tiếc, những cây gỗ quý bị đốn hạ ngang nhiên và diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Và nỗi sợ lớn nhất của cậu là nhận thức về vai trò của rừng trong cộng đồng còn hạn chế khiến rừng xanh chảy máu từng ngày. Chính từ nỗi sợ ấy, Vũ muốn góp sức mình giữ gìn màu xanh của rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Có kiến thức và kinh nghiệm về du lịch (tốt nghiệp Khoa Du lịch, Đại học Duy Tân - Đà Nẵng năm 2013), hành động cụ thể của chàng trai trẻ là thông qua hoạt động du lịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ rừng. Cụ thể, Vũ đã mở các lớp huấn luyện miễn phí về kỹ năng sinh tồn, kỹ năng leo núi như tìm thức ăn, nước uống, kỹ thuật giữ lửa, cách tìm lối đi, xác định phương hướng, đặc điểm hệ rừng… cho các bạn trẻ để tham gia các hoạt động ngoài trời, hòa mình cùng thiên nhiên. Bên cạnh đó, là hướng dẫn viên du lịch tự do, cậu thường xuyên dẫn tour du lịch mạo hiểm xuyên rừng, leo núi nhằm quảng bá hình ảnh về rừng, thắng cảnh tự nhiên của quê hương. Bởi theo Vũ, điều này làm cho nhiều người hiểu hơn về rừng, thân thiết với rừng để cùng nhau bảo vệ rừng. Từ suy nghĩ đó, mỗi lần có bạn bè từ nơi khác đến, cậu đều đưa họ đi chơi rừng để tìm hiểu, khám phá Tây Nguyên. Cậu cũng sẵn sàng làm hướng dẫn viên (nhiều khi miễn phí) cho những ai muốn khám phá về văn hóa, vùng đất con người nơi đây thông qua trải nghiệm với đời sống của đồng bào các buôn làng người Êđê, M’nông.
Với con mắt của một hướng dẫn viên du lịch, Vũ nhận thấy Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch Trekking nhưng các loại hình du lịch này hầu như còn bỏ ngỏ. Với những việc làm lặng lẽ vì cộng đồng, Hoàng Tuấn Vũ tin tưởng: “Nếu có tâm huyết của nhiều người, thời gian tới, du lịch gắn với rừng sẽ phát triển, khi đó có nhiều người quan tâm đến rừng và chung tay bảo vệ rừng xanh”.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc