Multimedia Đọc Báo in

"Hạnh phúc khi được thấy bệnh nhân mỉm cười"

10:00, 26/02/2016
"Tận tâm với công việc, cởi mở, hòa nhã với đồng nghiệp và hết lòng với người bệnh” – đó là những nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp dành cho bác sĩ CKI Hoàng Đức Hưng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh – Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.
Bác sĩ CKI Hoàng Đức Hưng (người đứng bên phải)  đang thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKI Hoàng Đức Hưng (người đứng bên phải) đang thăm khám cho bệnh nhân.

Hơn 10 năm gắn bó với công việc ở khu vực cấp cứu – “cửa ngõ” của bệnh viện, bác sĩ Hoàng Đức Hưng đã quen với sự tất bật, hối hả của người bác sĩ cấp cứu. Vì thế, anh đã tập cho mình thói quen nhẫn nại, phản ứng nhanh nhẹn, chính xác trong chẩn đoán và điều trị để duy trì sự sống cho người bệnh. Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Là người thầy thuốc, nhất là lại làm công tác cấp cứu luôn phải hết sức cẩn trọng, đồng thời phải linh hoạt, nhanh nhạy, phán đoán và xử lý tình huống kịp thời”. Do đó, ngoài những kiến thức chuyên môn đã học, hằng ngày anh luôn dành thời gian nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, những người đi trước để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, cá thể hóa điều trị trên từng bệnh nhân nhằm tạo hiệu quả cao trong quá trình điều trị cho người bệnh. Nhờ vậy, hàng ngàn lượt bệnh nhân vào cấp cứu đã được anh và các đồng nghiệp cứu chữa kịp thời, trong đó anh còn nhớ rất rõ nhiều ca bệnh nguy kịch, sự sống cái chết chỉ còn trong gang tấc. Đó là một bệnh nhân nữ, 65 tuổi vào khoa trong tình trạng suy hô hấp, khó thở trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp. Ngay lập tức, anh cùng các đồng nghiệp tiến hành các biện pháp cấp cứu giúp người bệnh thoát cơn hiểm nghèo. Hay như trường hợp của một bệnh nhân nam, 70 tuổi vào khoa trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, tím tái toàn thân, mạch không bắt được, huyết áp không đo được trên nền tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường. Đánh giá tình trạng của bệnh nhân, ban đầu anh liên tưởng tới bệnh hôn mê do tăng, hạ đường huyết hoặc tai biến, nhồi máu cơ tim cấp. Thế nhưng, khi thăm khám phát hiện bệnh nhân nổi ban sẩn ngứa ở ngực và cánh tay cộng với thông tin từ người nhà bệnh nhân cung cấp biết được người bệnh có ăn hải sản vào tối trước đó, anh cùng các đồng nghiệp trong tua trực đã hội chẩn nhanh và chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ do thức ăn trên nền bệnh tăng huyết áp, tiểu đường. Các biện pháp cấp cứu được tiến hành ngay, 15 phút sau đó bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, thoát cơn nguy kịch…

Dẫu công tác chuyên môn lẫn công tác quản lý mỗi ngày đều rất bận rộn, nhưng bác sĩ Hưng luôn cởi mở nhiệt tình, thân thiện, giúp đỡ đồng nghiệp. Đặc biệt, với những đồng nghiệp trẻ mới vào nghề, anh thường xuyên trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, giúp họ nhanh tiến bộ và thực hiện thuần thục nhiều kỹ thuật mới, khó như: đặt nội khí quản Catheter tĩnh mạch trung tâm, sốc điện, chọc dịch tủy não… Bên cạnh đó, anh cũng luôn trau dồi đạo đức, y đức để hoàn thiện mình hơn, phục vụ người bệnh tốt hơn. Anh bộc bạch: “Đôi khi, nhiều ca cấp cứu nặng vào khoa, cứu chữa, chăm sóc họ xong, được nghỉ tay cũng đã quá giờ cơm nhưng cả tua trực vẫn thấy vui. Dù vất vả với nghề nhưng khi thấy bệnh nhân hồi tỉnh, nở nụ cười, không chỉ tôi mà cả các đồng nghiệp đều cảm thấy hạnh phúc”.

Lấy lời dạy của Bác "Lương y như từ mẫu" làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp của mình nên lúc nào bác sĩ Hưng cũng xem bệnh thân như người thân trong gia đình và điều trị bằng cả cái tâm của người thầy thuốc. Vì lẽ ấy mà đã có rất nhiều bệnh nhân sau khi bình phục đã xem anh như người thân trong gia đình. Không những thế, với lòng nhân ái và tình yêu thương con người, bác sĩ Hưng còn tranh thủ những ngày nghỉ hiếm hoi của mình để tham gia hoạt động thiện nguyện khám, cấp phát thuốc, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Sự nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ ở anh đã và đang hướng đến hình ảnh người thầy thuốc vừa hồng, vừa chuyên.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.