Multimedia Đọc Báo in

Người thất nghiệp thờ ơ với học nghề

07:16, 21/02/2016

Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm mới. Tuy nhiên, hiện nay người lao động vẫn chưa mặn mà với học nghề sau khi thất nghiệp.

Ngày 3-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Theo đó, người lao động thất nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/ khóa học nghề đến 3 tháng; 600 nghìn đồng/khóa học trên 3 tháng. Đến ngày 24-12-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg  thay thế Quyết định số 55 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lên 6 triệu đồng/khóa. Theo đó, người tham gia các khóa đào tạo nghề không quá 6 tháng được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế. Người lao động tham gia BHTN chỉ phải đóng phần vượt quá nếu phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ. Quy định là thế, nhưng khi triển khai thì lại có rất ít lao động thất nghiệp mặn mà với chủ trương này. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, từ trước năm 2014, không có bất kỳ người lao động nào đăng ký học nghề sau thất nghiệp. Trong năm 2015, số lao động đăng ký học nghề chỉ vỏn vẹn có 28 người. Trong khi đó, năm 2014, số lượng người được hưởng TCTN trên địa bàn tỉnh là 4.276 người và năm 2015, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN là 4.182 người. 

Nhân viên Trung tâm GDVL tỉnh tư vấn việc làm cho người lao động.
Nhân viên Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn việc làm cho người lao động.

Lý giải nguyên nhân này, theo bà Bùi Thị Nga, Trưởng Phòng BHTN, Trung tâm DVVL tỉnh là do đa phần người lao động thất nghiệp cần tiền để trang trải cuộc sống, trong khi đó, mức hỗ trợ học nghề tuy đã tăng nhưng vẫn không đủ đóng học phí và bù đắp những chi phí phát sinh. Hơn nữa, do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, không có tích lũy nên khi thất nghiệp càng khó khăn hơn trong cuộc sống hằng ngày. Thêm vào đó, phần lớn các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông, nên dù người lao động đã qua đào tạo, doanh nghiệp chỉ trả lương như lao động phổ thông. Với tâm lý “có học cũng thế” nên người thất nghiệp chọn phương án tìm việc làm ngay… Chính vì vậy, người lao động thờ ơ với chuyện đăng ký học nghề sau thất nghiệp.

Anh Bùi Văn Hoàng (SN 1987) trước đây là nhân viên giao nhận tại Công ty TNHH Dakman - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nhưng do chuyển lên TP. Buôn Ma Thuột sinh sống nên anh đã nghỉ việc. Vào tháng 5-2015, khi tới Trung tâm DVVL đăng ký thủ tục BHTN, được tư vấn nên anh đã đăng ký học nghề lái xe tại Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ trong thời gian 3 tháng. Anh Hoàng chia sẻ: “Nhận thấy lợi ích của việc học nghề mới, cộng thêm được sự hỗ trợ tiền học phí mỗi tháng 1 triệu đồng nên tôi đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học nghề, đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học, tuy nhiên hiện tại tôi vẫn chưa có công việc mới”. Còn đối với chị Nguyễn Đỗ Bảo Quyên (SN 1988), trước đây làm nhân viên thủ kho cho một công ty bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh, vì lý do cá nhân nên chị xin nghỉ việc về TP. Buôn Ma Thuột sinh sống. Sau khi được Trung tâm DVVL tư vấn, chị Quyên đăng ký học nghề làm bánh tại khách sạn Dam San trong thời gian 2 tháng với mức học phí khoảng 4 triệu đồng, trong đó tiền hỗ trợ học nghề từ BHTN là 2 triệu đồng. Sau khi học nghề, chị Quyên lại đi xin việc làm tại một công ty bán đồ điện tử, chẳng liên quan gì đến nghề mới học. Thậm chí, chị cho biết còn chưa có thời gian lên cơ sở dạy nghề để nhận giấy chứng nhận. “Tôi chọn học nghề làm bánh nhằm nâng cao kỹ năng nữ công gia chánh trong gia đình, chứ tôi tốt nghiệp ngành kinh tế nên chỉ muốn tìm việc liên quan đến chuyên môn đã học trước đây”- chị Quyên giải bày.

Ông Trần Xuân Đa, Trưởng Phòng Dạy nghề, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết, trong những năm qua, Trung tâm luôn chú trọng tuyên truyền nhằm giúp người lao động thất nghiệp hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề, tuy nhiên người lao động vẫn chưa thực sự quan tâm. Theo ông Đa, phần lớn lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm DVVL là lao động phổ thông, nên việc được đào tạo nghề là cần thiết, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ dạy nghề sau thất nghiệp vẫn chưa tạo được động lực cho người lao động tham gia. Chẳng hạn, thời gian đào tạo được hỗ trợ theo quy định nhiều nhất 6 tháng là quá ngắn, không đủ thời gian học trọn vẹn một nghề mới hoặc nâng cao trình độ hiện có. Bên cạnh đó, tâm lý người thất nghiệp là mong muốn học những nghề mà thị trường lao động đang cần, tuy nhiên, hiện nay các cơ sở dạy nghề không có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu này, mà chỉ dừng ở mức “có gì đào tạo nấy”, buộc người lao động phải học những nghề cơ sở có, thay vì theo mong muốn, nguyện vọng của họ... Hiện nay, Trung tâm DVVL tỉnh đang đưa ra các giải pháp tăng cường tư vấn, DVVL và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp ngay từ khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Đồng thời, Trung tâm cũng thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường lao động, vị trí việc làm của các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng, tổ chức các sàn giao dịch việc làm vào ngày 15 hằng tháng… nhằm hỗ trợ cho người lao động tìm việc làm và đăng ký nghề học sát với nhu cầu thực tế, để sau khi học xong dễ dàng tìm được việc làm...

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.