Multimedia Đọc Báo in

Những nhân viên y tế không mặc áo blouse

09:47, 26/02/2016

Trong những năm qua, đội ngũ nhân viên y tế thôn, buôn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở. Phụ cấp ít ỏi, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nhưng nhiều nhân viên y tế thôn, buôn vẫn tận tụy, tâm huyết với công việc.

Chị H’Bin Niê  (buôn Cư Phiăng, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đã gắn bó với công tác y tế thôn, buôn gần 15 năm. Buôn Cư Phiăng thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có 114 hộ với gần 450 nhân khẩu. Những năm trước đây, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn duy trì nhiều tập quán lạc hậu, tình trạng chăn nuôi không có chuồng trại  khá phổ biến, phần lớn các gia đình đều chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của nhân dân còn nhiều hạn chế… Để tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phòng chống các loại dịch bệnh, một mặt chị chủ động “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, một mặt chị phối hợp với Ban tự quản buôn lồng ghép những nội dung cần tuyên truyền trong các cuộc họp của buôn. Chị thường xuyên vận động các hộ thực hiện ngủ màn, phát quang bụi rậm để phòng chống sốt rét; làm chuồng gia súc xa nhà; ăn chín, uống sôi và làm tốt công tác giám sát dịch bệnh để báo cáo kịp thời lên Trạm Y tế xã. Sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân về chăm sóc, bảo vệ  sức khỏe và giữ gìn vệ sinh môi trường... đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên. Tính đến đầu năm 2016, buôn Cư Phiăng có 68 trẻ em dưới 5 tuổi đều được tiêm chủng đủ 7 loại vaccine, đạt 100%; có 58/116 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai, đạt 50%. Đặc biệt, năm 2015 trong số 7 cặp vợ chồng sinh con  chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ ba. Với lòng yêu nghề và sự cần mẫn trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, chị H’Bin Niê đã được bà con trong buôn tin yêu, quý mến.

Chị Hoàng Thị Dương (dân tộc Mông) cũng là một nhân viên y tế khá năng nổ của thôn Noh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông). Địa bàn do chị phụ trách có 374 hộ với trên 2.500 khẩu (tương đương với quy mô của một xã nhỏ). Noh Prông là thôn di cư ngoài kế hoạch, phần lớn bà con không am hiểu tiếng phổ thông, nhà cửa thì chen chúc, các công trình vệ sinh phòng bệnh hầu như không có. Vì vậy, năm 2010 khi mới nhận nhiệm vụ, chị Dương đã trăn trở suy nghĩ tìm biện pháp góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc tự chăm sóc sức khỏe.

Bằng sự tận tâm với nghề, mặc dù có con nhỏ nhưng chị luôn sắp xếp công việc một cách hợp lý, thậm chí  khi con đau ốm, phải bế con theo chị cũng chưa bao giờ  bỏ qua một lớp tập huấn nào do cấp trên tổ chức. Chị tâm sự: “Do mình không được đào tạo bài bản nên muốn thực hiện tốt công việc được giao, mình phải tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng để  nâng cao kiến thức chuyên môn”. Với những kiến thức học được, chị Dương dành nhiều thời gian đến các gia đình để tư vấn giúp cho người dân hiểu về cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nhờ sự góp sức của chị, trong nhiều năm qua, địa bàn thôn Noh Prông không xảy ra dịch bệnh, các chương trình tiêm chủng mở rộng, vệ sinh phòng bệnh,  phòng chống suy dinh dưỡng, sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe vị thành niên… đều được người dân quan tâm thực hiện. Tình trạng tảo hôn cũng giảm hẳn: nếu như năm 2011 cả thôn có 14 cặp vợ chồng tảo hôn thì đến năm 2015 không xảy ra trường hợp nào. Khi gia đình có người đau ốm, người dân đã kịp thời đưa đến Trạm y tế xã điều trị, không còn tin vào cúng ma, trừ tà như trước đây. Trong thôn, số gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh tăng trên 65%, số hộ có hố xí, nhà tắm, chăn nuôi có chuồng trại ngày càng nhiều. Với kết quả trong công việc, chị Dương đã được khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền…

Dù không mặc áo blouse nhưng nhân viên y tế thôn, buôn được ví như một tuyến y tế trực tiếp, gần dân nhất, đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

 Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.