Nỗ lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em
Với việc triển khai nhiều chương trình, hoạt động thu hút sự tham gia của trẻ em như hội thi, hội diễn, câu lạc bộ phóng viên nhỏ, câu lạc bộ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, cung cấp thông tin cho trẻ em qua đường dây nóng, đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em... các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Trao quyền chủ động cho trẻ em
“Nhằm khuyến khích các em thể hiện quyền tham gia của mình, trong các hội thi, hội diễn, hoạt động ngoại khóa… nhà trường luôn chú trọng và lấy học sinh làm trung tâm”, cô Bùi Thị Cung, Giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lương Thế Vinh (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ về việc thực hiện quyền trẻ em. Chẳng hạn như, trong Hội thi làm lồng đèn đẹp, 25 lớp từ khối 6 đến khối 9 của trường, mỗi lớp được cử một em tham gia ban giám khảo. Các em có quyền nêu ý kiến nhận xét, chấm điểm, cùng thảo luận đưa ra kết quả cuối cùng. Hay thay vì tổ chức hội thi văn nghệ sẽ chỉ những em có năng khiếu được tham gia, nhà trường đã tổ chức Hội thi dân vũ, thu hút 100% học sinh của mỗi lớp cùng tập luyện, biểu diễn trước toàn trường. Để các em thể hiện quyền tham gia của mình trong học tập, Liên đội đã phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, học sinh khá, giỏi của mỗi lớp tự nguyện đăng ký kèm cặp, giúp đỡ một bạn học yếu hơn, giúp nhau cùng tiến bộ và báo cáo kết quả sau mỗi học kỳ.
Nhóm trẻ nòng cốt của các Câu lạc bộ "Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng" tham gia thảo luận nhóm tại Hội nghị tập huấn kỹ năng công tác xã hội năm 2015. |
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Các xã, thị trấn, trường học đã xây dựng nhóm trẻ nòng cốt của các Câu lạc bộ “Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng”. Hội đồng Đội các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình tổ chức chương trình “Phát thanh măng non” với sự tham gia, thể hiện tài năng của các đội tuyên truyền măng non; duy trì 1.210 câu lạc bộ sở thích, 342 câu lạc bộ Quyền trẻ em. Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn tổ chức các khóa học “Một ngày trải nghiệm”, “Học kỳ quân đội”… tạo điều kiện cho các em được tham gia và cùng trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm trong học tập, cuộc sống. Ngoài ra, các chương trình, hoạt động nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em, Đêm hội trăng rằm… cũng thu hút hàng nghìn em cùng tham gia.
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Trên thực tế, quyền tham gia của trẻ em ở nước ta đã được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và nhiều bộ luật khác, nhưng vẫn chưa có chế tài và các giải pháp, biện pháp thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền được tham gia của mình. Khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, quy định về quyền tham gia của trẻ em đã rõ ràng hơn. Và để cụ thể hóa trong Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã dành riêng Chương IV quy định về “Bảo đảm các quyền tham gia của trẻ em”. Tiếp đó, ngày 3-8-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016-2020, trong đó yêu cầu: “Các cơ quan Nhà nước khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em; nhà trường, cộng đồng, xã hội khi xây dựng và thực hiện quyết định, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em phải tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ bằng các hình thức phù hợp”.
Bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Để triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tháng 11-2015, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, xây dựng Dự thảo Kế hoạch triển khai Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, bên cạnh việc triển khai các dự án về truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em, sẽ chú trọng xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như: Diễn đàn trẻ em, thăm dò ý kiến trẻ em, hội đồng trẻ em, câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện...
Như vậy các văn bản quy định về quyền tham gia của trẻ em ngày càng đầy đủ và hoàn thiện. Do đó, việc triển khai thực hiện là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội, có như vậy, trẻ em mới được bảo đảm đầy đủ các quyền của mình.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc