Xuân mới ở buôn tái định cư
Buôn tái định cư (còn được gọi là làng ngoài để phân biệt với buôn cũ là làng trong) được quy hoạch ở một khu vực có địa hình bằng phẳng, đường trải nhựa thẳng tắp nằm sát đường liên huyện, chỉ cách trung tâm xã 5 km. Sau hơn 6 năm quy hoạch, làng ngoài đã trở thành một khu dân cư sầm uất với những dãy nhà to đẹp bề thế; 67 hộ dân rời buôn cũ đến nơi ở mới được hỗ trợ kinh phí di dời, điện lưới kéo đến từng nhà, trường học khang trang… Người dân được cấp sổ hộ khẩu, hỗ trợ cây con giống, trẻ em đến trường thuận lợi. Cuộc sống bà con đã đổi thay nhiều.
Một trong những ngôi nhà khang trang của người dân đang được xây dựng ở khu tái định cư. |
Bên căn nhà sàn khang trang, chị Lý Thị Xuân tâm sự: “Được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ tiền chuyển nhà đến đây, ban đầu gia đình tôi cũng ở nhà tạm rồi dần dần tích cóp dựng căn nhà này. Ở đây thuận lợi lắm, ốm đau cũng đến trạm xá nhanh chóng, mua bán chỉ đi xe máy vài phút là đến chợ trung tâm của xã”. Người Mông quan niệm gia đình nào có nhà to, nuôi nhiều trâu, bò được coi là giàu có. Gia đình chị Hoàng Thị Sinh nuôi gần chục con bò được xem là hộ chăn nuôi nhiều nhất làng, ban đầu được Nhà nước cấp cho 1 con, sau đó tích cóp mua dần. Chị Sinh cho biết: “Trước đây người Mông quê mình chỉ quen phá rừng làm rẫy, khi đất bạc màu lại chuyển đi nơi khác khai hoang lập làng nên cuộc sống đói nghèo lam lũ. Chuyển đến khu tái định cư này, mình được cán bộ chỉ cách chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo đất cho thu nhập cao”. Ông Hoàng Chứ Páo, Trưởng buôn Mông phấn khởi chia sẻ: “Làng định cư luôn được Nhà nước quan tâm về mọi mặt. Nhiều gia đình đã dần ổn định cuộc sống. Năm 2015, 17 hộ khó khăn nhất ở buôn tái định cư được cấp mỗi hộ 1 con bò giống theo Chương trình 135 của Chính phủ. Nhờ sự tạo điều kiện hết sức của Đảng, Nhà nước, bà con ở khu định cư đã dần ổn định cuộc sống, từng bước xây dựng kinh tế vươn lên thoát nghèo. Chứng kiến những đổi thay, những thuận lợi như vậy, hiện nay đã có nhiều hộ ở làng trong đến trình bày với Ban tự quản buôn xin được được cấp đất, hỗ trợ kinh phí để di dời đến ở buôn định cư.”.
Trái ngược với cuộc sống ở buôn tái định cư, vẫn còn nhiều hộ không chịu di dời, vẫn cố bám làng cũ dù phải sống trong những ngôi nhà tre nứa tạm bợ giữa rừng, cuộc sống lam lũ, nghèo khổ, mặc chính quyền nhiều lần vận động.
Buôn Mông cũ nằm heo hút trong rừng sâu, trải dài gần 10 km qua các tiểu khu 540, 544, 547A thuộc đất của Lâm trường Buôn Ja Wầm quản lý. Hơn 20 năm trước, bà con dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào đây phá rừng, khai hoang lập làng. Cuộc sống đói khổ: không điện, đường, trường, trạm, nước sạch… đã biến làng Mông thành một ốc đảo tách biệt với thế giới bên ngoài.
Gia đình anh Lý Văn Tịnh (40 tuổi) sống trong căn nhà tranh vách nứa thấp lè tè trong buôn; 5 đứa con của anh mặt mũi lem luốc vây quanh nồi cơm bốc cơm ăn với muối trắng. Anh Tịnh cho hay: “Gia đình di cư từ huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng vào đây đã nhiều mùa rẫy, con đông, đất đai ít lại bạc màu nên bữa đói nhiều hơn bữa no. Ngày nào 2 vợ chồng cũng vào rừng làm từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối mới về. Mẹ chúng nấu sẵn một nồi cơm to, giao cho đứa lớn ở nhà trông em, khi nào đói thì ăn. Bữa nào có tiền thì thêm tí cá khô, không thì đành ăn với muối vậy”. Được hỏi sao không ra khu tái định cư cho bớt khổ, chị Sùng Thị Nông (vợ anh Tịnh) xen ngang tỏ vẻ khó chịu: “Ở đây đói còn lên rừng bẫy chim, hái măng kiếm sống, chứ chuyển ra làng ngoài xa rừng biết lấy gì ăn. Cán bộ cũng nhiều lần khuyên ra ngoài cho con cháu biết cái chữ nhưng bụng đói có chữ cũng bằng không”.
Làng trong chỉ có ba lớp học tạm bợ gồm: Mầm non, lớp 1 và lớp 2 của phân hiệu Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi. Học lớp 3 học sinh phải ra làng ngoài (cách làng trong gần 10 km). Lớp 4, lớp 5 và cấp 2 phải ra tận trường chính ở trung tâm xã. Làng trong có khoảng 100 học sinh hằng ngày phải băng rừng, vượt suối hơn 17 km để đến trường ở trung tâm xã Ea Kiết. Các em phải dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị sách vở, thức ăn, đội đèn pin băng rừng, vượt suối đến trường. Em Thào Thị Lá (học sinh lớp 7G, Trường THCS Hoàng Văn Thụ) kể: “Em học buổi chiều nhưng phải đi từ lúc 9 giờ sáng. Mỗi lần đi học, chúng em đều phải lội qua vài con suối. Mùa nắng còn dễ đi chứ mùa mưa đường lầy lội, nước suối dâng cao phải nghỉ học”. Cô giáo Lê Thị Nga, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết: Ban ngày ở đây ít khi gặp người lớn ở nhà, đa số vào rừng bẫy chim, lên nương nhổ mì, cào cỏ. Bà con trong buôn vẫn còn ý nghĩ lên rẫy mới có cái ăn, học nhiều cũng chẳng được gì nên hầu hết học sinh ở đây ít được học cao. Cuộc sống nghèo khó, đường xa cách trở, vượt sông nguy hiểm đã ảnh hưởng nhiều đến việc đi học của các em.
Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar quả quyết: Hiện nay, vẫn còn nhiều hạng mục công trình ở khu tái định cư chưa được đầu tư xây dựng như: đường giao thông, cầu cống từ khu định cư vào nương rẫy của bà con ở làng trong; nhà sinh hoạt cộng đồng… Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân chưa yên tâm di dời. Tuy nhiên, chủ trương của huyện là quyết tâm vận động toàn bộ số hộ dân còn lại ra khu định cư theo quy hoạch. Để hỗ trợ bà con di dời, huyện đã trích ngân sách thuê xe vận chuyển nhà cửa, huy động lực lượng giúp bà con tháo dỡ, vận chuyển, dựng nhà và hỗ trợ gạo ăn ổn định cuộc sống ban đầu…
Trung Hải
Ý kiến bạn đọc