Multimedia Đọc Báo in

Gieo cho đời thêm những niềm vui

09:36, 08/03/2016

Không chỉ chu toàn việc nhà, việc cơ quan, đơn vị, các chị còn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội; sự cống hiến ấy đã góp phần gieo cho đời thêm những niềm vui.

“Họa mi đại ngàn”

Nghe Trung úy chuyên nghiệp Lý Thị Hạnh, nhân viên Quân y (Bệnh xá Bộ đội Biên phòng tỉnh) hát, nhiều người bất ngờ bởi giọng ca cao vút, khác hẳn với vẻ ngoài nhỏ nhắn của chị.

Chị Hạnh “có duyên” với môi trường quân đội từ năm 1998, khi ấy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thi tuyển nhân viên Đội tuyên truyền văn hóa Biên phòng (Đội tuyên truyền)... “Hơn 100 thí sinh tham gia đã trải qua nhiều vòng thi gay cấn, cuối cùng chỉ còn 3 thí sinh được chọn tuyển, may mắn là có mình” – chị Hạnh nhớ lại.

Chị Lý Thị Hạnh biểu diễn văn nghệ, phục vụ cán bộ chiến sĩ  Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Chị Lý Thị Hạnh biểu diễn văn nghệ, phục vụ cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Sau thời gian làm công tác tuyên truyền, chị được cử theo học lớp Quân y do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức và trở về công tác tại Bệnh xá Bộ đội Biên phòng tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ mới, chị luôn nhớ lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”, luôn hết lòng chăm sóc sức khỏe đồng đội. Không những vậy, hằng quý, chị cùng anh em Bệnh xá lại lên biên giới khám bệnh, phát thuốc, điều trị miễn phí cho đồng bào. Cung đường biên giới ngoằn nghèo, bụi bặm, lắm ổ voi, ổ gà là vậy, nhưng các anh, chị vẫn cố gắng hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính, chị còn là “hạt nhân” tiêu biểu của Đội tuyên truyền, cùng các thành viên trong Đội phục vụ chương trình văn hóa, văn nghệ tại các sự kiện, chương trình do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức; đến các xã vùng biên giới, hải đảo phục vụ bà con, cán bộ, chiến sĩ. 

Mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm riêng, nhưng có lẽ hai lần được đến giao lưu với cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa khiến chị khó quên nhất. Đó là những hành trình kéo dài 9 ngày, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng cả đoàn vẫn cố gắng mang lời ca, tiếng hát đến tặng các chiến sĩ trên đảo tiền tiêu Tổ quốc. Chuỗi thời gian lênh đênh trên biển rộng, chứng kiến sự khó khăn “khó nói hết bằng lời” của những người chiến sĩ lính đảo, khiến chị Hạnh và các đoàn công tác thêm cảm phục, yêu mến. Chị tâm sự: “Không riêng tôi, mà các chị em trong đoàn đi đều bị say sóng nặng, nhưng khi đặt bước chân đầu tiên lên đảo Trường Sa Lớn, cảm giác vinh dự, tự hào ùa đến khiến chúng tôi quên hết bao mệt nhọc. Tuy nơi ấy cán bộ, chiến sĩ hằng ngày phải đối mặt với bao khó khăn, vất vả, nhưng anh em vẫn đoàn kết, vui tươi, thật ngưỡng mộ”. Nhớ nhất là năm 2014, khi biểu diễn văn nghệ, phục các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn, chị được một chiến sĩ trẻ tặng bông hoa “ốc”. Gọi là “ốc” vì bông hoa ấy được chiến sĩ kết từ vỏ ốc. “Ở đây không có hoa hồng, nên em thay bông hoa hồng bằng ốc tặng chị nhé. Chúc chị luôn mạnh khỏe để tiếp tục mang lời ca tiếng hát đến với những người lính Trường Sa” - Câu nói của chiến sĩ trẻ và những kỷ niệm của chuyến đi khiến tôi nhớ mãi, đó cũng là lời nhắc nhở cho anh em chúng tôi phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa trong mọi điều kiện” – chị trải lòng.

Hoàn thành việc nước, chị còn tranh thủ thời gian chăm sóc gia đình nhỏ. Chị tâm sự: “Có nhiều chuyến công tác dài ngày, nếu không được sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình nội, ngoại, được chồng con cảm thông thì tôi khó hoàn thành được nhiệm vụ”.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2015, chị được Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt tuyên truyền văn hóa biên giới, bờ biển lần thứ IX. 

Xung kích trong mọi hoạt động

Không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác Đoàn, hội, mà còn là Chính trị viên Phó Ban Chỉ huy Quân sự phường Ea Tam gương mẫu - chị là Huỳnh Thị Kim Cương (Bí thư Chi đoàn phường Ea Tam). 

Tốt nghiệp THPT, năm 2000, chị tham gia sinh hoạt tại chi đoàn Tổ dân phố 6 và là thành viên của Câu lạc bộ trẻ (phường Ea Tam). Vượt qua những khó khăn ban đầu, chị năng nổ tham gia mọi hoạt động, được tín nhiệm và lần lượt được giao nhiệm vụ: Phó Bí thư, Bí thư chi đoàn Tổ dân phố 6; Phó Bí thư Đoàn phường Ea Tam... và từ năm 2012 đến nay là Bí thư Đoàn phường Ea Tam. Để bồi dưỡng thêm kiến thức, học vấn, ngoài học tập anh em, đồng nghiệp, chị còn tranh thủ học lớp Cử nhân Kinh tế (hệ tại chức, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) và Cử nhân Hành chính (hệ tại chức, Trường Chính trị tỉnh).

Chị Huỳnh Thị Kim Cương được tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu  tại Hội trại 10-3 (năm 2015).
Chị Huỳnh Thị Kim Cương được tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu tại Hội trại 10-3 (năm 2015).

Tâm huyết với công tác Đoàn, chị không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, đạo đức, nêu gương trong mọi công việc, xây dựng các chương trình hoạt động. Hằng năm, chị cùng anh em chi đoàn tổ chức vận động các nhà hảo tâm, giúp đỡ hàng trăm thanh niên, học sinh nghèo vượt khó; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, tạo nguồn cho cán bộ cơ quan. Chỉ riêng năm 2015, Đoàn phường đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực: hằng tháng với cho hơn 200 lượt đoàn viên, thanh niên phường tham gia giữ gìn trật tự an toàn, giao thông tại các cổng trường học; tổ chức chiến dịch thanh niên tình nguyện, các hoạt động chăm sóc, giáo dục thanh thiếu nhi về tham gia sinh hoạt hè tại địa phương; thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách; xây dựng nông thôn mới, dọn dẹp vệ sinh thôn, buôn, kêu gọi bảo vệ môi trường...

Chỉ riêng việc hiến máu tình nguyện, chị cũng đã hơn 10 lần tham gia hiến máu. Nhiều đêm đang ngủ ngon giấc thì nhận được điện thoại người bệnh cần máu gấp, chị vội vàng đến nơi để kịp thời cứu người... “Năm 2006, phong trào hiến máu nhân đạo chưa thực sự hiệu quả. Bản thân mình lần đầu tiên đi hiến cũng cảm thấy khá sợ, nhưng vì làm công tác vận động, mà không chịu xông pha thì ai sẽ tham gia? Nghĩ vậy, mình đã lấy hết can đảm, sau đó động viên mọi người thực hiện. Giờ thì khác, khi người bệnh cần, dù là thời điểm nào, mình và các bạn đoàn viên, thanh niên phường đều sẵn sàng” – chị Cương chia sẻ.

Với cương vị là Chính trị viên Phó Ban Chỉ huy Quân sự (Ban CHQS) phường, chị tích cực tham mưu cho Ban CHQS phường, cấp ủy chi bộ, UBND phường về công tác quân sự quốc phòng, tập trung xây dựng địa phương vững mạnh về quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị; gương mẫu thực hiện các chế độ trực Chỉ huy, xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra kiểm soát địa bàn với Công an phường.

Trưởng thành từ chiến sĩ dân quân, Tiểu đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân cơ động, chị luôn là tấm gương sáng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kỷ luật nghiêm; luôn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đúng và tự giác thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; nâng cao cảnh giác, đấu tranh chống mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, tăng cường đoàn kết thôn, buôn...

Với những thành tích xuất sắc của mình, chị được tặng các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Đảng viên trẻ tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk, Chiến sĩ tiên tiến, Lao động tiên tiến; liên tục nhiều năm liền được tặng Giấy khen của UBND phường, Thành Đoàn, UBND thành phố, Tỉnh Đoàn vì hoàn thành xuất sắc công tác quân sự quốc phòng, công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương vì chủ quyền an ninh biên giới...

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.