Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình điểm "3 an toàn về an ninh trật tự"

11:44, 02/03/2016

An toàn về người, tài sản và các hoạt động tôn giáo trên địa bàn là cách làm thiết thực của chính quyền và người dân xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) trong việc phát huy quyền làm chủ và ý thức tự giác của người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa phương…

Xã Hòa Hiệp có trên 2.142 hộ, 10.640 khẩu, sinh sống tại 8 thôn, buôn, trong đó, người theo đạo chiếm trên 92%. Trước đây, tình trạng mâu thuẫn trong gia đình, ngõ xóm, tệ nạn xã hội, trộm cắp… thường xảy ra. Năm 2014, Công an tỉnh và Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Cư Kuin đã thống nhất chọn Giáo xứ Kim Phát (thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp) xây dựng mô hình điểm “3 an toàn về an ninh trật tự” trong vùng tôn giáo. Trên cơ sở đó, Công an xã đã tham mưu cho UBND xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban tự quản và 26 tổ tự quản “3 an toàn về an ninh trật tự”. Mỗi tổ tự quản có từ 15 đến 20 hộ liền kề và tự bầu ra tổ trưởng, tổ phó. Ban tự quản cùng với Công an xã tham mưu ban hành quy chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của tổ. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tranh thủ tiếng nói, sự ủng hộ nhiệt tình của các linh mục quản xứ, Hội đồng Giáo xứ Kim Phát, các chức sắc, chức việc trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, giáo dân trên địa bàn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Để tạo sự đồng thuận cao, Công an xã và Ban tự quản tổ chức cho các doanh nghiệp, đoàn thể cùng 489 hộ dân trong thôn ký cam kết thực hiện quy chế hoạt động của tổ. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, tổ tự quản phổ biến chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, tình hình an ninh chung của xã để mọi người nắm bắt và cùng nhau nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện. Đồng thời, nhắc nhở, động viên xóa bỏ các phong tục lạc hậu, đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Anh Nguyễn Thụ, Tổ trưởng tổ 18 cho biết: “Với phương châm “to làm thành nhỏ, nhỏ làm cho không còn”, tổ tự quản đã tập trung giải quyết các vụ việc mâu thuẫn phát sinh ngay trong gia đình, ngõ xóm. Khi các gia đình trong tổ có việc hiếu hỉ, ốm đau, hay xích mích, bất hòa, các thành viên đều đến động viên, chia sẻ. Tình cảm chân thành đó đã ngày càng gắn kết tình làng nghĩa xóm”. Chị Nguyễn Thị Kim Dung, một người dân trong thôn chia sẻ: “Từ khi tổ tự quản được thành lập và hoạt động, tình trạng thanh niên tụ tập, gây gổ, đánh nhau giảm đáng kể. Các gia đình trong tổ đều chăm lo làm ăn, sống “Tốt đời đẹp đạo””.

Người dân xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) trao đổi kinh nghiệm  phát triển kinh tế gia đình.
Người dân xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Qua gần 2 năm triển khai, các tổ tự quản đã cùng với Ban tự quản, cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các thành viên và người dân trong thôn làm mới 3 km đường bê tông, lắp đặt 2 km đường điện chiếu sáng, phối hợp với lực lượng công an viên tuần tra được 28 đợt, vận động thu nộp các loại vũ khí tự chế.  Các tổ cũng đã báo cho Ban Công an xã nhiều nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự, phối hợp hòa giải thành công các vụ xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, phát hiện, giải quyết tốt ngay từ cơ sở nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã ngày càng ổn định, không có trọng án và đơn thư khiếu nại vượt cấp xảy ra. Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng Công an xã Hòa Hiệp, kinh nghiệm trong triển khai xây dựng mô hình điểm “3 an toàn về an ninh trật tự” là ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, cần chọn được người thực sự có uy tín, năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm để bầu làm tổ trưởng. Hơn nữa, cần phát huy quyền làm chủ của người dân trong việc bàn bạc, quyết định hình thức hoạt động của tổ và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc. Cũng theo ông Nhân, sắp tới, địa phương sẽ triển khai nhân rộng mô hình này ra các giáo xứ khác trên địa bàn.

Ông Đỗ Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp đánh giá: “3 an toàn về an ninh trật tự” là mô hình điểm hiệu quả trong công tác bảo đảm tình hình ANTT địa phương, được người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương và công an cấp trên đánh giá cao. Mô hình này đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm và xây dựng nông thôn mới”. Với kết quả hoạt động trên, năm 2015, nhân dân và cán bộ xã Hòa Hiệp đã được Công an tỉnh tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.