Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn lao động: Nỗi đau khôn nguôi

08:31, 30/03/2016

Chỉ vì một phút bất cẩn, lơ là hay sự cố xảy ra ngoài ý muốn đã khiến nhiều nạn nhân bị tai nạn lao động mất đi tính mạng hoặc mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, người thân và xã hội.

Chỉ vì một phút bất cẩn, bà Nguyễn Thị Thắng ở tổ dân phố 9 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), công nhân Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ cao su (Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk) đã trở thành người tàn tật. Sự việc xảy ra vào năm 2002, trong lúc cán mủ cao su, do không tuân thủ quy trình an toàn lao động, chân bà bị cuốn vào máy dập nát, mất 81% sức lao động.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ tại Xí nghiệp Việt Hà (thị xã Buôn Hồ).
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ tại Xí nghiệp Việt Hà (thị xã Buôn Hồ).

Dù đã 7 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến vụ tai nạn lao động xảy ra vào tháng 6-2009, anh Nguyễn Trần Anh Khoa, ở thôn 11 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), công nhân luyện đúc thép Nhà máy cán thép Đông Nam Á vẫn chưa hết bàng hoàng. Hôm ấy, anh đang đứng lò bỗng dưng cụm nấu thép phát nổ, những mảnh thép văng xuyên qua bụng làm anh bị thương nặng, mất 81% sức lao động. Từ lao động chính của gia đình, giờ đây anh chỉ có thể phụ việc nhà và đưa đón 2 con đi học, việc rẫy nương đều trông cả vào vợ.

Bà Ngô Thị Minh, công nhân Công ty TNHH Môi trường Đông Phương chia sẻ nỗi đau sau khi bị tai nạn mất 98% sức lao động .
Bà Ngô Thị Minh, công nhân Công ty TNHH Môi trường Đông Phương chia sẻ nỗi đau sau khi bị tai nạn mất 98% sức lao động.

Do không thực hiện đúng các quy tắc an toàn lao động, anh Nguyễn Văn Trí, công nhân tổ cối xay, Xí nghiệp Việt Hà (thị xã Buôn Hồ) đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Vào ngày 19-3-2014, sau khi chỉnh sửa xong máy xay đá, anh Trí vận hành thử và phát hiện có cục đá cấn ở trong. Thay vì phải tắt cầu dao điện, anh Trí lại thò tay vào lấy cục đá lúc băng chuyền vẫn hoạt động nên bị máy cuốn, gây tử vong.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn lao động, làm 6 người chết, 12 người bị thương nặng. Năm 2014, xảy 4 vụ tai nạn lao động chết người và 5 vụ tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động làm 10 người chết. Năm 2015, xảy ra 9 vụ tai nạn lao động, làm 7 người chết. Tuy nhiên, số liệu trên mới chỉ là báo cáo của khoảng 100 doanh nghiệp trong tổng số hơn 5.400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gửi về Sở LĐTBXH. Do vậy, con số thực về các vụ tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn gây chấn thương còn lớn hơn nhiều so với báo cáo.

Đại diện Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ của tỉnh thăm, tặng quà gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn.
Đại diện Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ của tỉnh thăm, tặng quà gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn.

Ông Lê Hạnh, Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐTBXH) cho biết, qua các đợt kiểm tra cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, nhưng chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động và người lao động chưa có nhận thức đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Để giảm thiểu tai nạn lao động, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, đòi hỏi sự vào cuộc của cả doanh nghiệp và người lao động. Đối với các doanh nghiệp cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, chú trọng đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống cháy nổ. Về phía người lao động phải nâng cao nhận thức về quyền của mình trong an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp và sử dụng đầy đủ trang bị cá nhân, lối thoát hiểm theo đúng quy định, tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động trong vận hành, sản xuất. Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, ngành LĐTBXH sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp về an toàn lao động, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về an toàn lao động.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.