Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng người nuôi dạy trẻ khuyết tật

09:25, 28/03/2016
Cơ sở Nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập năm 1997, hiện đang có hơn 150 học sinh thuộc 4 đối tượng khuyết tật: khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển và tự kỷ. Hầu hết trẻ theo học tại cơ sở Vi Nhân đều ở nội trú, xa vòng tay gia đình, thiếu tình thương của cha mẹ. Dẫu vậy, các em vẫn đang được sống trong tình thương của các giáo viên ở đây.

Với đặc thù nuôi dạy trẻ khuyết tật nên công việc của cán bộ giáo viên nơi đây luôn bận rộn với những khó khăn mà ít ai biết được. Đã có 15 năm gắn bó với cơ sở Vi Nhân cùng các em học sinh khuyết tật, cô Đàm Thị Thủy (37 tuổi) luôn xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Sau khi tốt nghiệp chuyên môn giáo dục trẻ khuyết tật, cô Thủy về công tác tại cơ sở Vi Nhân và được phân công dạy trẻ khiếm thính. Theo cô Thủy, khi dạy trẻ khiếm thính, khó khăn ban đầu mà ai cũng gặp phải là khi giáo viên nói các em không nghe được, các em lại không thể nói những mong muốn, suy nghĩ của mình nên chỉ có thể diễn đạt bằng hành động, ký hiệu. Ngôn ngữ của các em không phải là những ký hiệu quy ước mà là những hành động biểu cảm tự nhiên. Do đó để có sự tương tác ăn ý giữa hai bên, nhiều khi giáo viên vừa phải nói vừa phải diễn tả bằng hành động, biểu cảm qua nét mặt để các em hiểu. Cô Thủy cũng cho biết thêm, đặc điểm của trẻ khuyết tật là tự ti, nhất là trẻ khiếm thị thường khó hòa nhập hơn trẻ khiếm thính vì các em không thể nhìn thấy môi trường sinh hoạt của mình. Do đó, nuôi dạy trẻ khuyết tật cần dành cho trẻ nhiều tình thương, sự tôn trọng, từ đó trẻ mới tìm được sự đồng cảm và cởi mở hơn trong giao tiếp cũng như học tập.

Một tiết học của lớp khiếm thính 1A cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân.
Một tiết học của lớp khiếm thính 1A cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân.

Tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành Ngữ văn nhưng cô Nguyễn Thị Quy lại chọn cho mình con đường nuôi dạy trẻ tự kỷ tại cơ sở Vi Nhân. Cô Quy tâm sự: “Khi còn là sinh viên mới ra trường, trong một lần tham quan lớp học của trẻ em tự kỷ, nhìn thấy sự thiệt thòi của các em, tình yêu thương trẻ trong tôi trỗi dậy. Tôi quyết định tham gia khóa học nuôi dạy trẻ chuyên biệt rồi gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ tự kỷ đến nay đã gần 10 năm”. Theo cô Quy, đa số những trẻ tự kỷ đều có chung một điểm là “lâu nhớ nhưng mau quên” nên dạy trẻ tự kỷ phải kiên trì và có lòng yêu thương trẻ. Để “quản” được các em thì rất vất vả, bởi những đứa trẻ này không chịu ngồi yên một chỗ, thích chạy nhảy nhưng lại không làm chủ được hành động của mình. Giáo viên dạy ở những lớp học đặc biệt này bị học trò cắn, đánh, cào cấu là chuyện bình thường.

Bên cạnh những nỗi niềm, những khó khăn không tên, những người nuôi dạy trẻ khuyết tật cũng tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc khi nhìn thấy học trò của mình tiến bộ, khôn lớn và hòa nhập tốt với cộng đồng. Các giáo viên tại cơ sở Vi Nhân kể lại, hơn 10 năm trước, có một cậu bé chừng 4-5 tuổi bị khiếm thính lại mồ côi không ai chăm sóc được người dân đưa tới nhờ cơ sở Vi Nhân nuôi dạy. Ban giám hiệu cùng các giáo viên đã nhận nuôi dưỡng và đặt tên cho em là Trần Đức Dũng Lạc. Tại đây em được học tập văn hóa và học nghề thủ công mỹ nghệ . Hiện tại, Lạc đã có những sản phẩm mỹ nghệ đầu tay được tiêu thụ trên thị trường. Chính ngôi nhà thứ hai này đã giúp Lạc có niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp. Không chỉ riêng trường hợp của Lạc, tất cả các giáo viên tại cơ sở Vi Nhân vẫn còn nhớ em Hoàng Xuân Đạo là học sinh khóa đầu tiên của trường. Đạo là anh cả trong một gia đình có 4 anh em, cha mất sớm, mẹ phải tảo tần nuôi các con ăn học. Bản thân Đạo lại bị khiếm thính nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Sau khi hoàn thành chương trình học lớp 9, Đạo được ban giám hiệu tạo điều kiện cho theo học nghề thủ công mỹ nghệ. Rời cơ sở Vi Nhân, Đạo lập gia đình và mở xưởng thủ công mỹ nghệ tại nhà. Nhờ chăm chỉ lao động Đạo đã ổn định cuộc sống và xây dựng được một cơ sở mỹ nghệ có thương hiệu trên thị trường.

Cô Nguyễn Thị Quy cho học sinh tự kỷ chơi trò chơi
Cô Nguyễn Thị Quy cho học sinh tự kỷ chơi trò chơi.

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Hiệu trưởng phụ trách công tác giáo dục cơ sở Vi Nhân trăn trở, hiện nay đa số trẻ khuyết tật ít nhận được sự quan tâm của gia đình, xã hội, hoàn cảnh gia đình cũng gặp nhiều khó khăn nên việc tham gia học tập, hòa nhập cộng đồng của các em còn thiệt thòi. Chính vì thế, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, cùng sự sẻ chia của toàn xã hội để giúp trẻ khuyết tật mở rộng cánh cửa tương lai, hoàn thiện trí tuệ và nhân cách để hòa nhập cộng đồng.

Hồng Chuyên   


Ý kiến bạn đọc