Thêm động lực giúp người khuyết tật nghèo vươn lên
Kịp thời thăm hỏi, động viên, trao tặng những phần quà, xe lăn, giống vật nuôi, hỗ trợ xây dựng nhà ở… là những hoạt động thiết thực tiếp thêm động lực để những gia đình nghèo, có người khuyết tật vơi bớt phần nào khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ bò cho gia đình bà H'Wăl và H'Kiêng ở xã Đắk Phơi. |
Gia đình anh Lăng Văn Tàng (dân tộc Nùng) ở thôn 16 (xã Ea Rốc, huyện Ea Súp) có 3 người con, trong đó, cháu Lăng Văn Hợp bị khuyết tật vận động bẩm sinh, cả 2 chân, tay trái đều bị khoèo nên chị Trần Thị Ba chỉ quanh quẩn làm việc nhà và chăm sóc cho con. Vì vậy, mọi gánh nặng kinh tế gia đình đè cả lên vai chồng, ngoài canh tác 1 sào lúa, trồng hoa màu, lúc mùa vụ rảnh rỗi, anh lại chăm chỉ làm thuê nhưng cũng chỉ kiếm đủ gạo ăn. Căn nhà gỗ cũ qua bao năm mưa nắng đã xuống cấp, vách ván mục nát khiến mưa tạt gió lùa nhưng chưa có điều kiện sửa chữa lại. Năm 2015, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng, Huyện Hội 3 triệu đồng, UBND xã 2 triệu đồng để xây dựng căn nhà “Mái ấm PNJ” rộng 32 m2. Niềm vui như được nhân lên bởi trong ngày bàn giao nhà, Tỉnh Hội và nhà tài trợ còn trao tặng chăn màn, đồ dùng, nhu yếu phẩm. Anh Tàng xúc động: “Vợ chồng tôi gom góp mãi cũng chỉ được 3 triệu đồng thêm vào để xây dựng căn nhà. Nếu không có sự hỗ trợ của Hội và chính quyền xã thì chưa biết đến bao giờ gia đình tôi mới được ở trong căn nhà khang trang, ấm cúng thế này”.
Trên đây chỉ là 2 trong số hơn 7.000 người khuyết tật, trẻ mồ côi, nghèo đã được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ những năm qua. Mới thành lập từ năm 2008 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2010, nhưng Hội đã trở thành “nhịp cầu” đưa những tấm lòng thiện nguyện của 700 tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến với những mảnh đời có hoàn cảnh éo le trên địa bàn tỉnh. Từ tổng số tiền và hiện vật vận động được trị giá hơn 6 tỷ đồng, Hội đã hỗ trợ sinh kế, học tập, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. Qua 6 năm hoạt động, Hội đã trao tặng 531 suất học bổng, 234 chiếc xe đạp, cấp 740 chiếc xe lăn, xe lắc, dụng cụ hỗ trợ cho học sinh nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi; phối hợp tổ chức mổ mắt thay thủy tinh thể cho 335 người, khám sàng lọc cho 131 người khuyết tật và đưa 43 người đi phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng ở TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Hội đã thực hiện được 14 đề án Hỗ trợ sinh kế cho 398 người khuyết tật, trẻ mồ côi tại 16 xã xây dựng nông thôn mới gồm: Ea Kly, Ea Phê (huyện Krông Pắc), Ea Bar và Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn), Hòa Phong (huyện Krông Bông), Đắk Phơi, Bông Krang (huyện Lắk), Ea Bung, Ea Lê, Ea Rốc, Ia Jlơi (huyện Ea Súp), Cư Kpô (huyện Krông Búk), Ea Trang, Ea H’Mlây (huyện M’Đrắk), Ea Tul (huyện Cư M’gar), Ea Drông (thị xã Buôn Hồ). Các hộ tham gia đề án đã được hỗ trợ vốn trồng rau, con giống phát triển chăn nuôi, xây dựng nhà tình thương, trao tặng học bổng, xe đạp… góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của địa phương. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 5.000 suất quà cho các đối tượng. Cùng chung tay góp sức thực hiện các hoạt động thiện nguyện của Hội là tấm lòng của hàng trăm doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Có đơn vị đã ủng hộ tiền mặt, có mạnh thường quân dành thời gian mua từng suất quà như quần áo, nhu yếu phẩm, xe lăn hoặc máy vi tính… và cùng Hội trực tiếp trao tận tay người khuyết tật nghèo, trẻ mồ côi.
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “So với con số gần 100.000 người khuyết tật và 10.000 trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh hiện nay thì những món quà, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội chưa nhiều nhưng đã phần nào chia sẻ khó khăn, đem lại niềm vui, sự ấm áp và niềm tin cho các đối tượng. Trong thời gian tới, Hội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm để có nguồn lực hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người khuyết tật, trẻ mồ côi…”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc