Multimedia Đọc Báo in

"Chứng tích" phá rừng - những khoảng lặng...

06:11, 10/04/2016

Khá nhiều hiện vật trực tiếp, hoặc liên quan đến vấn nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh được Bảo tàng Đắk Lắk thu thập và trưng bày tại đây, khiến người xem không thể không dừng lại để ngẫm ngợi…

Những hiện vật sống động

Nào là cưa lốc, cưa mâm; nào là xe đạp và xe máy được cải tiến, độ chế lại làm phương tiện chuyên chở lâm sản, cùng vô số loại bẫy thú rừng… được bày trong tủ kính, trên kệ gỗ trong Không gian trưng bày Đa dạng sinh học của Bảo tàng Đắk Lắk đã ít nhiều cho thấy tính chất và mức độ khốc liệt của “cuộc chiến” bảo vệ rừng ở đây trong vài thập niên qua. “Cuộc chiến” ấy, nói như ông Tống Ngọc Chung, Giám đốc Vườn quốc gia Cư Yang Sin là có khi phải đổ máu và hy sinh như bao cuộc chiến đúng nghĩa khác! Từ ý tưởng đó, ông Chung cùng đồng đội giữ rừng đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức đợt trưng bày, giới thiệu chuyên đề về “Hành vi hủy hoại tài nguyên rừng và đa dạng sinh học” trên địa bàn Đắk Lắk, nhằm cảnh tỉnh mọi người. Chuyên đề này đã lập tức thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp từ trí thức, công chức, người lao động cho đến học sinh - sinh viên… khi được tận mắt xem qua đều ghi lại cảm tưởng rằng: Hãy dừng ngay tội ác phá rừng và kêu gọi tất cả chung tay bảo vệ rừng Tây Nguyên - nơi được ví là “nóc nhà” của  Đông Dương. 

Cán bộ thuyết minh, hướng dẫn Bảo tàng Đắk Lắk cung cấp những thông tin,  hình ảnh liên quan đến nạn phá rừng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ thuyết minh, hướng dẫn Bảo tàng Đắk Lắk cung cấp những thông tin, hình ảnh liên quan đến nạn phá rừng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Chị Bùi Thị Thanh Tuyền, Phụ trách Phòng hướng dẫn, giới thiệu tham quan Bảo tàng Đắk Lắk cho hay: du khách đến đây nhìn thấy hiện vật trưng bày đều dừng lại thật lâu - có người chua chát lắc đầu, kẻ lặng thinh tư lự. Song, cho dù có tỏ thái độ gì đi chăng nữa thì “thông điệp” mà cuộc trưng bày, giới thiệu chuyên đề này mang lại cho người xem quả thực nhức nhối. Đó là hơn 2.000 ha rừng bị tàn phá mỗi năm (tính từ năm 1980 - 2014); hệ động thực vật suy giảm nghiêm trọng, trong đó có một số loài quý hiếm đã tuyệt chủng, hoặc đang đứng trước nguy cơ biến mất; môi trường và hệ sinh thái không ngừng bị thu hẹp, biến đổi theo chiều hướng tiêu cực hơn, làm ảnh hưởng sâu sắc đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng vạn hộ dân trên địa bàn. Quan trọng hơn, qua đó còn cho người xem nhận diện và thấy được những áp lực đang đè nặng lên những cánh rừng Đắk Lắk hiện nay.  

Nhận diện rừng

Có thể nói, nhiều công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, thủy điện, khu dân cư mới… nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn đã lấy đi không ít diện tích rừng tự nhiên của Đắk Lắk. Đến nay, rừng tự nhiên toàn tỉnh chỉ còn lại chưa tới 568.000 ha (con số này năm 2000 là gần 700.000 ha). Số diện tích rừng còn lại ít ỏi này cũng đang tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng và phức tạp khôn lường. Mặc dù các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương các cấp đang cố gắng tìm mọi biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm hại tài nguyên rừng, song mọi việc dường như không được cải thiện đáng kể.

Diện tích rừng tự nhiên của Đắk Lắk hầu hết đã có chủ, ngoài hai Vườn quốc gia (Yok Đôn, Cư Yang Sin), hai khu bảo tồn (Nam Ka, Ea Sô), 4 Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (Buôn Đôn, Krông Năng, Lắk, Hòn Vọng Phu – M’Đrắk) và 15 Công ty lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ hơn 2/3 diện tích rừng nói trên, số còn lại khoảng 100.000 ha được chính quyền địa phương giao cho các hộ dân và cộng đồng thôn, buôn quản lý, bảo vệ theo chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” giữ rừng ở Đắk Lắk, mỗi chủ rừng, loại rừng đều có “nỗi khổ” khác nhau. Đối với các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên thì vấn nạn “chảy máu” tài nguyên rừng được xem là “nóng” nhất. Trong những cánh rừng Yok Đôn, Cư Yang Sin, Ea Sô… chưa bao giờ có được sự yên tĩnh vì tình trạng khai thác gỗ lậu và săn thú rừng luôn âm ỉ và có lúc đã bùng lên dữ dội, khiến tài nguyên đa dạng sinh học ở đây suy giảm nghiêm trọng.

"Chứng tích" phá rừng (các loại xe được độ chế để chuyên chở lâm sản) được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, số vụ vi phạm lâm luật trong những năm gần đây tăng lên đáng báo động theo cấp độ năm sau cao hơn năm trước. Riêng trong hai năm 2014-2015, số vụ vi phạm lên tới hơn 1.780 vụ/năm, diện tích rừng bị chặt phá gần 600 ha. Lý giải về “vấn nạn” này, tại nhiều cuộc họp bàn về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng Đắk Lắk, mọi ý kiến đều cho rằng, nhu cầu kiếm sống hằng ngày của người dân địa phương, nhất là cư dân sống ở các vùng đệm liền kề với những khu rừng trên là rất lớn và hết sức bức thiết. Phần lớn họ không có nghề nghiệp ổn định, đất đai sản xuất ít, quen sống dựa vào rừng… nên việc bất chấp pháp luật, liều mạng vào rừng khai thác gỗ, săn bắt thú rừng kiếm sống là thực trạng không thể kiểm soát, ngăn chặn nổi.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn phản ánh: Sát nách vườn hiện có hàng chục nghìn dân của 6 xã vùng đệm: Ea Huar, Ea Wer, Krông Na (huyện Buôn Đôn), Cư M’lan, Cư Kbang (Ea Súp) và Nam Dong (Cư Jút- Đắk Nông) chuyên sống bằng nghề “ăn rừng” thì không thể kiểm soát nổi.

Tương tự, các nơi khác cũng vậy - những cụm dân cư sống gần rừng luôn là mối đe dọa thường trực đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Ông Tống Ngọc Chung- Giám đốc Vườn quốc gia Cư Yang Sin giãi bày: Hằng năm đơn vị đã vận động hơn 3.200 hộ dân sống gần vùng lõi của vườn cam kết không vi phạm lâm luật, nhưng cũng chẳng cải thiện được tình hình, nạn khai thác gỗ lậu ở đây không căng thẳng, phức tạp như Yok Đôn, nhưng tình trạng săn bắt động vật hoang dã được coi là “nóng” nhất. Hằng năm, Hạt Kiểm lâm của vườn đã tuần tra và tháo gỡ hàng nghìn dây bẫy chim, thú các loại.

Còn với các chủ rừng là các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn thì “nỗi khổ” đeo đuổi họ là không tự chủ được phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh trên diện tích rừng được giao (khoảng gần 40.000 ha) do không có vốn, dẫn đến nợ nần, nhiều khi cán bộ, công nhân viên chức một số đơn vị như Công ty Lâm nghiệp Cư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ya Lốp, Ea Mơ (huyện Ea Súp) phải “làm công không lương”, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng bị buông lỏng, dẫn đến diện tích rừng được giao bị tàn phá nặng nề.

Vì thế, việc tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng và toàn thể xã hội ra sức bảo vệ  tài nguyên rừng trên địa bàn Đắk Lắk là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay. Và có thể nói, trong chừng mực, góc độ nào đó mà nói thì  không gian trưng bày “chứng tích” phá rừng tại Bảo tàng Đắk Lắk được các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp thực hiện là động thái tích cực, đáng ghi nhận, góp phần phát đi “thông điệp” sinh động, rõ ràng: Lên án và  ngăn chặn mọi hành vi xâm hại rừng đang gay gắt diễn ra!

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.