Multimedia Đọc Báo in

Đất lạ hóa quê hương…

11:01, 30/04/2016
Có lẽ ít nơi nào mà thành phần dân cư đa dạng như Đắk Lắk, bên cạnh người dân tộc thiểu số tại chỗ, những người đi kinh tế mới sau ngày giải phóng, còn có nhiều thanh niên khởi nghiệp từ tay trắng đến vùng đất này trong vòng một thập kỷ gần đây. Họ đến với mảnh đất cao nguyên như một cơ duyên và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của họ cũng góp phần tạo nên nguồn lực cho sự phát triển của địa phương.
 
Người xứ Nghệ tâm huyết xây dựng thương hiệu nông sản
 
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê xã Nghi Hoa, Nghi Lộc, Nghệ An, từ nhỏ, Đoàn Trọng Hùng gắn bó với hạt đậu, hạt vừng… nên thấu hiểu những vất vả, thiệt thòi của người nông dân. Năm 2004, anh một mình vào Tây Nguyên lập nghiệp với hành trang là tấm bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh và vào làm việc tại Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Đắk Lắk. Công việc thuận lợi, thu nhập ổn định vẫn chưa khiến chàng trai trẻ hài lòng, bởi anh muốn kinh doanh gắn với phát triển thương hiệu nông sản. Với suy nghĩ đó, chàng trai trẻ học thêm ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Sài Gòn) và tập tành buôn bán. Anh bắt đầu từ việc mua lạc (đậu phộng)  từ Nghệ An vào Đắk Lắk để sơ chế rồi đem bán. Công việc kinh doanh khiến Hùng ngày càng say sưa và anh quyết định nghỉ việc ở công ty để “làm cái gì đó cho xã hội”. Năm 2015, anh thành lập Công ty TNHH Tâm Bình với hoạt động chính là kinh doanh nông sản và vay mượn người thân, bạn bè đầu tư dây chuyền, máy móc chế biến theo quy mô công nghiệp với số vốn 1 tỷ đồng. Bước đầu, anh tập trung phát triển sản phẩm lạc sen để phần nào giải quyết đầu ra cho người nông dân, bởi thời điểm đó, lạc đang gặp khó trọng việc tiêu thụ ở thị trường chủ lực là Trung Quốc. Song song với việc thu mua nguyên liệu sạch, nâng cao chất lượng, anh Hùng cũng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng việc đăng ký sản phẩm với tên gọi “Lạc nghệ An”. Với ưu điểm hạt to, thơm, giòn, sản phẩm này từng bước tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông chủ trẻ Đoàn Trọng Hùng kiểm tra công đoạn đóng bao sản phẩm.
Ông chủ trẻ Đoàn Trọng Hùng kiểm tra công đoạn đóng bao sản phẩm.
 
Bên cạnh sản phẩm lạc, hạt điều cũng được Đoàn Trọng Hùng dành nhiều tâm huyết. Theo anh, Đắk Lắk là vùng có diện tích trồng điều lớn nhưng sản phẩm chủ yếu chỉ qua sơ chế thủ công, còn lại xuất đi Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… chế biến rồi lại đưa về tiêu thụ tại địa phương. Với mong muốn tạo ra sản phẩm hạt điều “made in Đắk Lắk”, anh đã mạnh dạn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hạt điều để tạo ra sản phẩm địa phương cạnh tranh với hàng chế biến từ nơi khác. Mới sản xuất được khoảng nửa năm, sản phẩm hạt điều của anh đã được tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, với sản lượng bình quân vài tấn mỗi tháng. Gần đây, anh Hùng nhận được những lời đề nghị đặt hàng của một số đối tác quốc tế với số lượng lớn, nhưng do chưa có khả năng đáp ứng nên anh đành ngậm ngùi tiếc nuối. Thời gian tới, anh đang có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lạc, điều ổn định, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường…
 
Anh kỹ sư tận tụy
 
Một ngày nắng bỏng rát cuối tháng 4 - 2016, đến thăm Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp khi các kỹ sư, công nhân đang tập trung bảo dưỡng máy móc, chúng tôi ấn tượng nhất anh Nguyễn Văn Quý, người kỹ sư trẻ, có dáng người dong dỏng cao đang làm việc say sưa trong phân xưởng. Trò chuyện với anh, được biết Quý sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 2006, anh tốt nghiệp ngành điện, Trường Cao đẳng Công nghiệp IV (nay là Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) rồi rong ruổi khắp Sài Gòn tìm việc suốt một năm nhưng không được, để rồi cuối cùng anh đến với Đắk Lắk và gắn chặt với công việc mình yêu thích.
          Kỹ sư Nguyễn  Văn Quý
Kỹ sư Nguyễn Văn Quý
 
Những ngày đầu làm việc tại tổ tự động thuộc phân xưởng sửa chữa, tiếp xúc với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, chàng trai trẻ vừa thích thú vừa cảm thấy lạ lẫm. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, chẳng mấy chốc, mọi thứ trở nên quen thuộc với anh. Để nâng cao chuyên môn, anh học thêm về ngành điện và tốt nghiệp Kỹ sư Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Cả tổ làm việc của anh chỉ có 10 người nhưng phải “ôm” khối lượng công việc rất lớn, từ kiểm tra, sửa chữa thiết bị, trực xử lý sự cố đến vệ sinh máy móc tại các trạm, tổ máy và đập dâng. Nhiều khi, anh em phải đội nắng, dầm mưa cả ngày để bảo đảm an toàn cho hệ thống vận hành nhà máy được thông suốt. Gần 10 năm trong nghề, anh Quý vẫn nhớ nhất những ngày cuối năm 2008, đầu 2009, anh và các công nhân, kỹ sư phải chạy đua với thời gian để đưa tổ máy phát điện vào hoạt động đúng tiến độ. Ròng rã hằng tháng trời, người kỹ sư trẻ phải túc trực cả đêm trên công trình để thi công đấu nối, thí nghiệm, hiệu chỉnh toàn bộ hệ thống. Dấu ấn lớn nhất là những sáng kiến của anh được đồng nghiệp đánh giá là trước đó chỉ có những chuyên gia đầu ngành mới thực hiện được.
 
Đó là việc thi công, thử nghiệm, cải tạo tủ trung gian trạm 220 kV Buôn Kuốp và thay thế kích từ ở phòng điều khiển trung tâm. Tôi thắc mắc cơ duyên nào lại đưa anh đến với miền đất cao nguyên này, Nguyễn Văn Quý tươi cười: “Đa số anh em thợ điện ở đây đều là những người xa quê, nhưng từ khi lên làm việc tại Đắk Lắk, chúng tôi coi đây như là nhà của mình và đã xác định lập nghiệp hẳn ở đây ".
 
Minh Thông

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.