Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

09:27, 12/04/2016
Đã hơn hai tháng trôi qua, người dân xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ đuối nước thương tâm làm ba nữ sinh cấp hai bị thiệt mạng.

Sự việc xảy ra vào khoảng 15 giờ ngày 29-1 tại khu vực hồ nước tại thôn 6, xã Cư Suê. Nạn nhân là các em Lê Thị Nhung, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Hồng Nhung đều là học sinh lớp 7 Trường THCS Ngô Quyền, thị trấn Ea Pốk. Trước đó, do được nghỉ học thêm, nhóm 5 em học sinh đã rủ nhau đến khu vực hồ nước chơi đùa và tắm, do không biết bơi nên 3 em đã bị chết đuối, còn 2 em khác may mắn được người dân ở gần đó phát hiện cứu kịp thời. Đây là vụ đuối nước có số nạn nhân bị thiệt mạng lớn nhất trên địa bàn huyện Cư M’gar trong 2 năm trở lại đây.

   Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar, từ tháng 6-2014 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 10 vụ đuối nước ở trẻ em làm 16 trẻ tử vong. Tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm 4 trẻ tử vong; độ tuổi các em gặp tai nạn đuối nước từ 2 – 16 tuổi, trong đó tập trung chủ yếu là ở lứa trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi. Các địa phương có trẻ em tử vong do đuối nước là xã Ea M’Droh, Ea M’Nang, Quảng Tiến, Cư M’gar, Ea Đrơng, Quảng Tiến, Quảng Hiệp, Cuôr Đăng, Cư Suê và thị trấn Ea Pốk. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em nhưng đa phần là do thời tiết nắng nóng, trẻ tự rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ… mà thiếu sự giám sát của người lớn dẫn đến tai nạn. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar cho biết thêm: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do môi trường xung quanh của trẻ không an toàn, nhiều ao, hồ, sông, suối để phục vụ cho phát triển sản xuất. Sự bất cẩn, thiếu quan tâm, quản lý của các phụ huynh dẫn đến việc trẻ lơi lỏng rủ nhau đi tắm ao, hồ. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em chưa được rèn luyện về kỹ năng bơi lội nên khi xuống nước rất nguy hiểm, dễ xảy ra tình trạng đuối nước…”.

Được biết, thời gian vừa qua, huyện Cư M’gar đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tai nạn này như: tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về phòng chống đuối nước, không để trẻ tự ý ra tắm ở sông, suối, ao hồ…; xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn; tổ chức nói chuyện chuyên đề hướng dẫn cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình; rà soát các ao, hồ, sông, suối… yêu cầu các tập thể, cá nhân quản lý gắn biển cảnh báo, rào chắn. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các ao, hồ, sông, suối tự nhiên và nhân tạo trên địa bàn huyện đều không có biển báo và rào chắn an toàn, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, do thiếu sân chơi và thích được tắm, bơi lội trong khi kiến thức, kỹ năng bơi lội của trẻ không có nên nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao… Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đặc biệt cần quan tâm, quản lý nhắc nhở trẻ không nên tắm tại các ao, hồ, sông suối khi không có người lớn đi cùng.

Trung Dũng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.