Multimedia Đọc Báo in

Khốn khổ vì thiếu nước

06:07, 10/04/2016
Nắng nóng kéo dài, nhiều sông, suối, hồ đập đến nay cạn kiệt nước khiến người dân trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt và sản  xuất.

Hơn chục năm qua,  cứ vào mùa khô người dân buôn Đắk Tây, xã Yang Tao (huyện Lắk) lại phải đi hơn 2 km để lấy nước uống và nước sinh hoạt hằng ngày. Một số hộ có điều kiện hơn thì mua nước lọc về để uống và nấu ăn. Bà Nguyễn Thị Hương, một người dân trong buôn than thở: ‘‘Gia đình tôi chỉ có 3 người mà mỗi tuần tiết kiệm lắm cũng phải dùng hết 3 thùng nước đóng chai cả uống và nấu ăn, mỗi tháng tôi phải tốn hơn 150.000 đồng tiền mua nước. Để tiết kiệm hơn, gia đình tôi phải đi đến khe suối cách nhà hơn 2 km để tắm, giặt ”. Không có điều kiện mua nước thùng như nhà bà Hương, hầu hết hộ dân trong buôn Đắk Tây chủ yếu lấy nước ở khe suối vừa nấu ăn vừa đun sôi làm nước uống. Nhiều hộ dân trong buôn cũng đã tự đào giếng nhưng tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng, trong buôn có hơn 10 cái giếng thì có đến 8 giếng đã cạn nước. Buôn Đăk Tây là buôn đặc biệt khó khăn của xã Yang Tao; toàn buôn có 32 hộ thì có tới 20 hộ nghèo (chiếm 62,5%) nên việc khoan giếng với chi phí lên đến hàng chục triệu đồng là việc quá sức của người dân. Anh Y Wen H’long, Trưởng buôn Đắk Tây cho biết: “Tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng của 110 người dân buôn Đăk Tây rất cấp thiết, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành, chính quyền địa phương xây dựng giếng khoan để bà con có nước uống và sinh hoạt hằng ngày”.

Người dân buôn Đắk Tây (xã Yang Tao, huyện Lắk) phải đi hơn 2 km lấy nước về dùng.
Người dân buôn Đắk Tây (xã Yang Tao, huyện Lắk) phải đi hơn 2 km lấy nước về dùng.

Người dân xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) cũng đang phải đối mặt với hạn hán khốc liệt. Từ trước Tết đến nay, gia đình anh Tạ Hữu Kiểm ở buôn Kđóh (xã Ea Tar) mất ăn mất ngủ tìm nước tưới cho 1 ha cà phê, trong đó có 5 sào trồng xen tiêu. Anh Kiểm ngán ngẩm: “Dù nhà có hai giếng nước nhưng đến nay một giếng nước đã cạn trơ đáy, giếng còn lại mỗi ngày chờ cả tiếng đồng hồ để nước lên cũng chỉ đủ nước tưới cho 20 gốc cà phê và không biết còn có thể cầm cự được bao lâu nữa. Vậy là coi như vụ cà phê năm nay mất trắng rồi”. Giếng của gia đình bà H’Jep Hwing ở cách đó vài trăm mét cũng đã cạn hết nước khiến nhà bà không có nước sinh hoạt. Dù đã sang cái tuổi 71 nhưng ngày ngày bà H’Jep vẫn cầm can nước sang nhà người con cách đó không xa để xin nước về dùng. Đến nay giếng nước của người con cũng đã cạn kiệt nên bà cũng chưa biết xoay xở ra sao.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng buôn Kđóh cho hay: “Nhiều giếng nước trong buôn đã cạn kiệt nguồn nước. Buôn có 1 suối nhỏ và 1 đập dâng nhưng đến nay cũng  đã cạn trơ đáy. Hiện trong buôn có gần 50% hộ thiếu nước sinh hoạt, nhiều diện tích cây trồng đang chết dần do không có nước tưới...”.

Theo ông Y Thôn Ê Ban, Chủ tịch UBND xã Ea Tar, trong xã đã có trên 20% số hộ thiếu nước sinh hoạt tập trung tại các buôn như: M’lăng, Ea Tar, Ea Kiêng, Tơng Lía… Nếu tình trạng nắng nóng gay gắt vẫn còn kéo dài đến khoảng giữa tháng 4 thì diện tích cây trồng bị khô hạn của xã Ea Tar sẽ tăng lên trên 150 ha và có 30 - 40% số hộ thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình này, UBND xã Ea Tar đang tích cực vận động bà con tập trung nạo vét lại giếng nước hoặc khoan ngang để tránh tụt mực nước ngầm. Xã cũng đang tăng cường rà soát thực tế lại những diện tích cây trồng bị khô hạn, các hộ dân thiếu nước sinh hoạt để đề nghị huyện xem xét, hỗ trợ người dân khắc phục tình trạng hạn hán.    

H’Yur Je – H’Xiu Ê ban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.