Nhọc nhằn nữ cán bộ y tế làm công tác cấp cứu
Có chứng kiến một tua trực đêm tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) mới thấy hết khó khăn của công việc mà các y, bác sĩ phải đảm đương nơi đây. Đêm xuống, khi hầu hết các khoa phòng đều khá yên ắng thì khoa Cấp cứu luôn ồn ào bởi đủ loại âm thanh, từ tiếng còi xe cấp cứu, bệnh nhân la hét đến tiếng bước chân khẩn trương của y bác sĩ, sự thất thần, lo lắng của người nhà…
Là điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu với thâm niên hơn 30 năm công tác, chị Nguyễn Thị Thủy “thấm” hơn ai hết nỗi vất vả của nữ cán bộ y tế làm việc tại đây. Chị vẫn còn nhớ như in những tháng ngày nhọc nhằn khi vừa lập gia đình và sinh con. Bố mẹ hai bên đều ở xa, chồng là công an thường xuyên phải đi công tác, một mình chị vừa cáng đáng việc nhà, việc cơ quan vừa chăm sóc hai con thơ. Ngày ấy, đội ngũ nhân lực tại khoa Cấp cứu còn mỏng nên dù có con nhỏ, chị Thủy vẫn thường xuyên phải trực đêm. Có những đêm trực chị phải gửi con ở nhà hàng xóm, có đêm ba mẹ con lại bồng bế nhau cùng lên bệnh viện, chị vô cùng vất vả xoay xở khi một bên là bệnh nhân cấp cứu, một bên con khóc đòi mẹ. Chị Thủy bộc bạch: “Phụ nữ công tác trong ngành y khổ lắm. Với các ngành nghề khác, dù công việc nhiều đến mấy thì buổi tối vẫn được quây quần bên gia đình, chăm sóc chồng con. Còn người làm nghề y phải đi trực đêm thường xuyên. Vì thế, chúng tôi luôn phải tranh thủ từng chút thời gian một. Nếu ai may mắn được gia đình thông cảm và hỗ trợ thì gánh nặng bớt đi một phần; ngược lại thì thường xuyên bị căng thẳng”.
Chị Nguyễn Thị Thủy, điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang chăm sóc bệnh nhân. |
Không nhớ rõ lần đầu tiên chứng kiến cảnh người nhà bệnh nhân la hét, dọa nạt y bác sĩ là từ khi nào, nhưng đến bây giờ, sau gần 30 năm làm điều dưỡng tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chị Phạm Thị Nở vẫn sợ hãi mỗi khi cảnh tượng ấy tái diễn. Chị Nở tâm sự: “Điểm khác biệt của khoa Cấp cứu với các khoa khác là bệnh nhân thường đông vào ban đêm, trong đó rất nhiều trường hợp liên quan đến tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, ẩu đả... Chuyện cán bộ y tế ở đây bị đe dọa, chửi bới, thậm chí bị hành hung hay diễn ra. Là phụ nữ chân yếu tay mềm, mỗi khi gặp cảnh ấy, chúng tôi rất sợ”.
Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có 70 cán bộ, y bác sĩ thì cán bộ nữ chiếm đến 70%. Không chỉ chịu áp lực công việc từ sự quá tải bệnh viện, những ca bệnh nguy hiểm, sự an nguy của mình mỗi khi bị dọa nạt, tấn công, cán bộ y bác sĩ ở đây còn thường xuyên bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu nhầm trong lúc làm việc. Chị Thủy cho hay: “Theo nguyên tắc, chúng tôi phải cấp cứu những trường hợp bệnh nặng trước, sau đó đến bệnh nhẹ. Có những ca bệnh, sự phức tạp và nguy hiểm không biểu hiện ra bên ngoài nhưng người nhà bệnh nhân lại không hiểu và cho rằng chúng tôi đòi hỏi “lót tay”. Điều đó làm chúng tôi rất buồn”.
Vất vả, áp lực là thế song những nữ cán bộ y tế tại đây vẫn nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Họ luôn ý thức về trách nhiệm với công việc, về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Bằng chứng là trong những lần thuyên chuyển công tác định kỳ giữa các khoa, các chị đều đồng lòng ở lại phục vụ công tác cấp cứu. Các chị cũng luôn san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau bằng những việc làm tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như giúp đưa đón con đi học, trực thay… nhằm giúp nhau hoàn thành tốt cả công việc gia đình và hoạt động chuyên môn. Khi được hỏi về những băn khoăn trong quá trình làm việc, các chị đều mong muốn có một môi trường làm việc an toàn hơn như được hỗ trợ bằng những cán bộ bảo vệ có nghiệp vụ, nhất là trong những ca trực đêm để không còn cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi tiếp nhận những ca cấp cứu phức tạp. Đồng thời, các chị cũng hy vọng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thông cảm và chia sẻ với công việc chịu nhiều căng thẳng và áp lực này.
Thu Huế - Quang Nhật
Ý kiến bạn đọc