Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của tổ chức Hội Phụ nữ
Với mục tiêu chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của chị em, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội.
Lắng nghe hội viên
Gần gũi để nắm bắt suy nghĩ, tình cảm, nguyện vọng, Hội Phụ nữ huyện Cư Kuin đã từng bước thu hút chị em tham gia sinh hoạt. Tại xã Ea Tiêu, nhờ thường xuyên thăm hỏi mà cán bộ Hội mới hiểu rõ hoàn cảnh của từng hộ, nhất là những hộ nghèo, từ đó giúp đỡ họ vay vốn chính sách để làm ăn, cải thiện kinh tế. Thông qua Hội, nhiều chị em hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chị H’Nhoái Niê (Chi hội phụ nữ buôn Kram) tâm sự: “Nhà đông con nên vợ chồng tôi phải làm thuê, cuốc mướn khắp nơi nhưng vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Cũng nhờ Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện giúp đỡ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi mà hiện nay gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). |
Cùng với việc hỗ trợ vốn, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư Kuin còn vận động chị em tham gia tập huấn các lớp khuyến nông, hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, quản lý nguồn vốn để chị em lựa chọn loại hình sử dụng đồng vốn có hiệu quả, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình. Không những thế, định kỳ hằng tháng, thành viên trong các tổ, nhóm, câu lạc bộ phụ nữ ở các xã trên địa bàn huyện còn tổ chức sinh hoạt, tập trung vào các chủ đề như kỹ năng chăm sóc, giáo dục con cái; thực hiện nếp sống hợp vệ sinh... Qua đó, chị em được tiếp cận với các thông tin bổ ích, nâng cao nhận thức về phương pháp tổ chức cuộc sống, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Với phương châm “Gần hội viên, hiểu hội viên, giúp hội viên”, Hội LHPN phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) đã phát động xây dựng các mô hình tiết kiệm, nuôi heo đất. Đến nay, Hội đang quản lý trên 3,8 tỷ đồng cho hơn 700 chị vay phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường cho biết: “Thông qua những buổi tiếp xúc, chúng tôi biết được gia đình nào còn khó khăn về vấn đề gì như việc làm, nhà ở... để hỗ trợ kịp thời, giúp các chị em vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, Hội còn chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ như: Dân vận khéo, Tứ đức, Xây dựng gia đình hạnh phúc… Mỗi kỳ sinh hoạt hằng tháng, các thành viên đều được phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh trật tự ở địa phương và nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, kinh nghiệm nuôi dạy con tốt, quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật”.
Nâng cao chất lượng cán bộ Hội
Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là nền tảng, động lực khơi dậy tiềm năng, phát huy sáng tạo đối với các phong trào thi đua của Hội trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực thi đua, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi tham gia sinh hoạt, đồng thời tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác hội ở cơ sở. Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị đã vận dụng linh hoạt các chương trình, hoạt động vào thực tiễn theo phương châm “Yếu phần nào, rèn phần đó”.
Hội viên phụ nữ xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, thu hút chị em tham gia sinh hoạt tại cơ sở. |
Từ năm 2010 đến nay, Hội LHPN các cấp đã mở hàng trăm lớp bồi dưỡng ngắn hạn về chính sách, pháp luật; tập huấn về kỹ năng điều hành sinh hoạt chi, tổ hội; cung cấp các loại tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn ghi chép sổ sách tới các chi, tổ hội và cơ sở hội. Bên cạnh đó, Hội còn sáng tạo lồng ghép tổ chức giao lưu, biểu dương kết hợp bổ sung kiến thức, động viên, khích lệ chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt các phong trào tại địa phương. Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nhiều chị em đã mạnh dạn hơn trong công tác tuyên truyền, phát huy vai trò quản lý và mạnh dạn đưa ra nhiều cách làm hay. Điển hình như cách làm của chị H’Hồng Kdoh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Phơng (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar). Buôn Phơng có phần đông phụ nữ là dân tộc thiểu số, lại không biêt chữ nên rất khó khăn trong tuyên truyền, hướng dẫn chị em tham gia các hoạt động, phong trào của Hội. Xuất phát từ thực tế, chị H’Hồng đã mở lớp xóa mù chữ và trực tiếp giảng dạy cho hơn 30 phụ nữ trong buôn. Lớp học chính thức khai giảng từ tháng 10-2014, đến nay các học viên tham gia đều đã thông thạo đọc và viết chữ. Điều đó không chỉ giúp chị em thuận tiện hơn khi giao dịch hoặc làm các thủ tục hành chính mà còn tự tin hơn trong cuộc sống và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Từ những hoạt động chăm lo thiết thực của Hội cùng những nỗ lực của bản thân, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, có 82% cán bộ cấp tỉnh, 76,6% cán bộ cấp huyện và 15,76% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn đại học. Đa số cán bộ Hội cơ sở có kinh nghiệm trong công tác vận động phụ nữ, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao, nhận được sự tín nhiệm từ cộng đồng. Nhờ sự nỗ lực của các cấp Hội trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đến nay không còn cơ sở Hội yếu kém, tỷ lệ phát triển hội viên tăng bình quân 1,2%/năm; 100% Hội Phụ nữ cấp xã đã xây dựng được hội viên nòng cốt. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tập trung các hoạt động về cơ sở. Đồng thời, tăng cường khai thác nguồn lực xây dựng các mô hình mới song song với củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động của các mô hình tập hợp, thu hút hội viên có hiệu quả.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc