Tìm việc làm phù hợp cho thanh niên: Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Giải quyết việc làm cho thanh niên đang là vấn đề cấp thiết. Hiện nay nhiều bạn trẻ vẫn chưa tìm được cho mình việc làm phù hợp với khả năng và có nguồn thu nhập ổn định.
Trong một lần đi tìm hiểu về công tác Đoàn, tôi được nghe anh Y Ner Bkrông, Bí thư Đoàn xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) bộc bạch: “Việc thu hút và tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn, bởi phần đông thanh niên trong xã đều ly hương tìm việc làm. Người có vốn thì tự kinh doanh, đi buôn bán, những người khác thì đi làm công nhân, làm thợ cho các nhà máy, xí nghiệp”. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên có được việc làm ổn định, thu nhập tốt, nhất là thanh niên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thanh niên là người dân tộc thiểu số chưa nhiều.
Thanh niên được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. |
Hiện nay, nhiều bạn trẻ sau khi học xong đại học đã ở lại các thành phố lớn để kiếm việc làm. Cũng có người trở về tìm công việc ngay tại quê nhà. Thế nhưng, ngay cả khi trở về địa phương với tấm bằng đại học thì xin được việc làm cũng không phải là chuyện đơn giản, nhiều người đành chấp nhận làm những công việc trái với ngành nghề đã học. Bạn Phạm Thị Kim Ngân (phường Tân An), tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Tây Nguyên đến nay đã gần 2 năm. Sau những ngày ròng rã nộp hồ sơ xin việc ở các công ty, Ngân thất vọng: “Bây giờ xin việc khó quá! Em đã nộp hồ sơ hơn 10 lần rồi mà vẫn chưa thấy nơi nào hồi âm. Bởi đa phần các công ty ở đây khi tuyển dụng đều yêu cầu và ưu tiên người có kinh nghiệm. Quả thực đó là khó khăn lớn đối với những sinh viên mới ra trường như em. Em đang dự định xuống TP. Hồ Chí Minh để tìm việc làm tạm chứ không thể cứ ở nhà để bố mẹ nuôi hoài như vậy”. Cũng nộp hồ sơ xin việc khắp mọi nơi sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng bạn Văn Thị Thùy Linh, lớp Cử nhân Ngữ văn K2009, Trường Đại học Tây Nguyên vẫn chưa tìm được việc làm. Sau một thời gian chờ đợi, Linh quyết định xuống Bình Dương xin việc và hiện tại đang làm thủ quỹ cho một công ty tư nhân kinh doanh thiết bị điện tử. “Hầu hết các bạn cùng lớp đại học của mình đều khó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp khi nhu cầu tuyển thêm giáo viên của các trường THCS, THPT trong tỉnh là rất ít. Mặc dù công việc hiện tại không hề liên quan đến ngành học nhưng có nơi để kiếm được tiền lương hằng tháng nuôi sống bản thân như thế này đối với mình đã là quá may mắn”, Linh chia sẻ.
Việc làm luôn là nhu cầu thiết yếu của người lao động, đặc biệt là đối với thanh niên. Có việc làm và kiếm được nguồn thu nhập ổn định, các bạn trẻ có thể tự tin hoạch định về tương lai. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, nhất là thanh niên nông thôn đã được các cấp, ngành quan tâm chú trọng. Đoàn thanh niên các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều nội dung, hoạt động như: Ngày hội việc làm, tư vấn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các sàn giao dịch việc làm; thành lập các mô hình, câu lạc bộ “Thanh niên giúp nhau lập nghiệp”, “Hợp tác xã thanh niên”, “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế”… Mới đây nhất tại phiên giao dịch việc làm diễn ra vào đầu tháng 3 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thu hút hơn 800 thanh niên tham gia, trong đó có 125 người tìm được việc làm phù hợp. Theo số liệu thống kê của Tỉnh Đoàn, từ năm 2015 đến nay, đã có trên 1.100 thanh niên được theo học các lớp dạy nghề về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y… Nhiều lao động sau khi học nghề đã được tuyển dụng và làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh hoặc tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn công nhân và đô thị Tỉnh Đoàn cho biết: Những năm qua, phong trào thanh niên lập nghiệp ở địa phương đã từng bước khởi sắc, nhiều thanh niên đã biết vươn lên làm giàu ngay tại quê hương. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều thanh niên chưa xác định được năng lực bản thân cũng như yêu cầu của thị trường lao động để lựa chọn hướng đi phù hợp. Do đó, trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, chương trình phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các trường đào tạo để dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên, đồng thời mở rộng vốn vay và đối tượng cho vay để tạo cơ hội mới về việc làm…
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc