Multimedia Đọc Báo in

Việc cho thuê mặt bằng kinh doanh tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa: Công tác quản lý còn lỏng lẻo

06:03, 16/04/2016

Do quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong việc cho thuê mặt bằng kinh doanh tại một số điểm di tích lịch sử, văn hóa đã làm mất mỹ quan đô thị, gây ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm, lịch sự, thậm chí là phản cảm ngay khu vực nội thành Buôn Ma Thuột.

Bảo tàng Đắk Lắk được đưa vào sử dụng từ năm 2011. Năm 2012, UBND tỉnh có văn bản số 2964/UBND - VHXH ngày 4-6-2012 về việc mở các dịch vụ phục vụ khách tham quan tại khuôn viên bảo tàng. Theo đó, UBND tỉnh cho phép Bảo tàng tỉnh mở dịch vụ giới thiệu, thưởng thức cà phê, bán hàng lưu niệm các sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; cho thuê hội trường tổ chức các buổi lễ, đại hội, hội thảo, hội nghị… Để bảo đảm an ninh trật tự, UBND tỉnh cũng yêu cầu Bảo tàng tỉnh không để các hoạt động dịch vụ ảnh hưởng đến công tác chuyên môn; các dịch vụ phải được tổ chức gọn trong một địa điểm nằm trong khuôn viên nhà Bảo tàng mới xây dựng, cơ sở vật chất phục vụ không được xây dựng kiên cố, có thể tháo dỡ, di dời khi có yêu cầu… Hiện nay, ngoài việc cho thuê hội trường thì Bảo tàng tỉnh đang cho thuê 3 điểm kinh doanh khác gồm căng tin cà phê, quầy bán hàng lưu niệm và địa điểm tập YOGA. Tuy nhiên, việc cho thuê địa điểm tập YOGA là loại hình dịch vụ không nằm trong danh mục cho phép của UBND tỉnh, cũng như phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của Bảo tàng. Trong khi đó, căng tin bán cà phê giải khát là nhằm mục đích phục vụ khách tham quan du lịch nhưng lại được đơn vị thuê mặt bằng đầu tư khá tùy tiện, không đồng bộ với mỹ quan chung của Bảo tàng. Đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh của căng tin khá nhếch nhác. Trần nhà, tường, nền gạch bị nứt vỡ, bong tróc, hư hỏng nặng mà không được sửa chữa… Điều này đã khiến cho Bảo tàng tỉnh mất đi tính nghiêm trang và mỹ quan. Bà H’Loan Adrơng, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, việc cho thuê phòng để làm điểm tập YOGA là do quyết định của giám đốc cũ, nay đã về hưu. Sắp tới Bảo tàng sẽ xem xét và chấm dứt hợp đồng cho thuê đối với đơn vị thuê này. Về phía căng tin cà phê, bà Loan thừa nhận là Bảo tàng thiếu sự đôn đốc, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh này dẫn đến tình trạng nhếch nhác, gây phản cảm đối với khách tham quan. Riêng khu vực nhà vệ sinh của căng tin, do nằm trong hệ thống của nhiều hạng mục nhà bảo tàng đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng dẫn đến tình trạng nước mưa thấm, hệ thống đường ống nước ngầm trong bảo tàng bị rò rỉ nước làm bong tróc sơn, tường và trần thạch cao. Hiện Bảo tàng đang đề xuất với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí tu sửa.
Điểm cho thuê bán hàng lưu niệm tại Bảo tàng tỉnh.
Điểm cho thuê bán hàng lưu niệm tại Bảo tàng tỉnh.

Đối với các đơn vị như Nhà văn hóa thanh - thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh cũng đang cho thuê mặt bằng kinh doanh. Thực tế cho thấy, các đơn vị này gần như không mấy quan tâm đến việc người thuê mặt bằng sẽ đầu tư kinh doanh như thế nào, quy hoạch ra sao. Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Giám đốc Trung tâm Chiếu bóng và Phát hành phim cho hay, hiện nay đơn vị đang cho thuê 2 điểm làm nơi kinh doanh là vườn ươm chăm sóc cây cảnh và một cá nhân người Trung Quốc mở gian hàng bán gốm sứ ngay trước sân của Trung tâm. Do việc thuê mặt bằng kinh doanh là một doanh nghiệp người nước ngoài nên sau khi họ đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về tạm trú tạm vắng, giấy phép kinh doanh trên địa bàn… thì mới được Trung tâm ký hợp đồng cho thuê. Việc cho thuê này theo ông Tuyên là hợp lý, vì nhiệm vụ chính của đơn vị chủ yếu là hoạt động chiếu bóng và phát hành phim nên không gian ngay tại trung tâm hầu như bỏ trống. Việc cho thuê kinh doanh này chưa thấy UBND tỉnh hoặc Sở VH-TT-DL có ý kiến gì. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì đây là địa điểm văn hóa, nằm ngay khu vực trung tâm thành phố, đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh lại bày tràn lan sản phẩm ra phía ngoài gian hàng, lấn lên cả hiên nhà của Trung tâm. Chưa hết, đơn vị kinh doanh này còn dán tờ rơi, mắc loa quảng cáo rầm rộ rất phản cảm. “Thời gian tới, nếu Sở VH-TT-DL hoặc UBND tỉnh có văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng với các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng kinh doanh thì đơn vị sẽ thực hiện nghiêm” - ông Tuyên nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh cho biết, Sở đang có kế hoạch họp bàn và yêu cầu các đơn vị trực thuộc có các điểm cho thuê kinh doanh để thống nhất phương án giải quyết. Chủ trương của Sở là xử lý nghiêm những đơn vị có sai phạm về việc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Những tổ chức, cá nhân nào sử dụng các điểm thuê kinh doanh không hợp lý, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tính tôn nghiêm đối với các điểm văn hóa, di tích lịch sử sẽ yêu cầu đơn vị trực thuộc chấm dứt hợp đồng cho thuê.

Trước tình trạng đầu tư, kinh doanh nhốn nháo tại các điểm cho thuê của một số đơn vị trực thuộc Sở VH-TT-DL trong khu vực nội thành Buôn Ma Thuột, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho biết đã giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu Sở VH-TT-DL tỉnh soát xét, chấn chỉnh lại tình trạng cho thuê kinh doanh tràn lan làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; đồng thời đưa ra các biện pháp bảo quản, phát huy giá trị của các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.