Vượt lên nỗi đau da cam
Năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông Áng trở về quê hương Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên đến năm 1986, ông Áng vào lập nghiệp tại thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana. Vợ chồng ông có 4 người con thì người con trai đầu bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Anh bị liệt một nửa người, chân tay bên phải bị teo và bị chứng thiểu năng trí tuệ. Ông Áng đau xót chia sẻ: “Con tôi năm nay 28 tuổi nhưng vẫn như một đứa trẻ lên 5, ai hỏi cũng ngơ ngác mà nếu có trả lời thì nó cũng chỉ nói bập bẹ được một chữ. Suốt ngày nó chỉ thích đi ra đường chơi, cái chân cứ bước đi khập khễnh, nhiều khi nó đi lạc là hai vợ chồng phải đi khắp nơi để tìm con”. May mắn là những đứa con còn lại đều lành lặn. Vượt lên nỗi đau về thể xác, tinh thần và những khó khăn trong cuộc sống, ông luôn cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế để nuôi con ăn học.
Khi mới vào lập nghiệp, ông Áng khai hoang được 1 ha đất chủ yếu là cấy lúa nương và trồng một số cây hoa màu. Năm 1993, sau khi tham gia học các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật khoa học về việc trồng cây cà phê, ông quyết định đầu tư trồng cà phê. Tích lũy dần dần, đến năm 2006 ông mua lại vườn cà phê già cỗi để cải tạo. Đến nay, gia đình ông đã có 2 ha cà phê, trong đó có 1 ha trồng xen tiêu. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được từ 5 – 6 tấn cà phê và 6 -7 tạ tiêu khô, thu nhập ổn định, kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn. Năm 2014, được hỗ trợ 50 triệu đồng từ chế độ chính sách đối với người bị nhiễm chất độc màu da cam, cùng với nguồn vốn tích cóp được, gia đình ông đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Áng còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào của Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc màu da cam, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Kim Ngân
Ý kiến bạn đọc