Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng nồi cháo yêu thương

08:23, 29/05/2016

Sau khi có chuyến tặng quà từ thiện tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông) vào tháng 12-2012, nhận thấy ở vùng đất này còn có nhiều mảnh đời cơ cực, đặc biệt là trẻ em nghèo có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao, nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang” (TP. Hồ Chí Minh) đã kêu gọi, vận động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để thực hiện Chương trình “Nồi cháo dinh dưỡng cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số xã Cư Pui”.

Đã hơn 3 năm trôi qua, cứ đều đặn vào mỗi buổi sáng thứ ba và thứ năm hằng tuần, những nồi cháo của tình thương, sự sẻ chia lại được mang đến cho trẻ em nghèo nơi đây. Mỗi nồi cháo trị giá khoảng 500.000 đồng, bao gồm các nguyên liệu chính như: gạo, thịt, xương, cá, rau, củ, quả…; cung cấp hơn 100 suất ăn cho các cháu. Mỗi tuần có hơn 10 nồi cháo được nấu và đưa đến các thôn, buôn tập trung nhiều hộ có đời sống kinh tế đặc biệt khó khăn như: buôn Blăk, buôn Phung, buôn Đăk Tuôr... Chị Châu Thị Kim Phụng, cán bộ y tế phụ trách về dinh dưỡng tại xã Cư Pui cho biết: Là người được ủy quyền quản lý nguồn ngân sách của nhóm và phụ trách việc mua thực phẩm, chị đã cùng với các thành viên trong Hội Phụ nữ xã tổ chức các buổi nấu và phát cháo. Đồng hành với nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang”, từ năm 2013 Công ty Bảo hiểm nhân thọ Hanwha Life (Chi nhánh Đắk Lắk) cũng đã phối hợp với Chi hội Phụ nữ tại địa phương thực hiện đều đặn nồi cháo của mình mỗi tuần 2 nồi tại buôn Blăk và buôn Phung với hàm lượng dinh dưỡng và khẩu phần tương tự.

Những suất cháo dinh dưỡng được phát miễn phí cho trẻ em nghèo xã Cư Pui.
Những suất cháo dinh dưỡng được phát miễn phí cho trẻ em nghèo xã Cư Pui.

Tại các thôn buôn, có nhiều gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn, việc ăn uống không đủ chất là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi ở nhiều trẻ nhỏ. Có thể nói, sự giúp đỡ kịp thời của các nhà hảo tâm đã mang lại niềm vui cũng như giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như gia đình em Y Quyết Niê (trú tại buôn Phung) có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhà có 4 người con, bản thân em bị bại liệt bẩm sinh, mỗi tuần gia đình em đều được nhận 2 lần cháo dinh dưỡng, mỗi lần từ 3-4 suất ăn. Em Y Quyết bày tỏ: “Em hy vọng trong những năm sau chương trình này vẫn tiếp tục được duy trì để những đứa trẻ như em có thêm những bữa ăn cải thiện…”.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui đánh giá: “Đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, chia sớt một phần khó khăn cho các hộ gia đình, qua đó cũng thấy được sự quan tâm của xã hội, cộng đồng đến các cháu nhỏ ở vùng sâu, vùng xa như Cư Pui…”. 

Vàng A Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.