Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn

09:05, 25/05/2016

Chi đoàn là nơi tập hợp, giáo dục, rèn luyện và khơi dậy tinh thần xung kích, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Vì vậy, để thu hút đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tích cực tham gia hoạt động, phong trào, các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh chất lượng Đoàn từ cấp cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng hiệu quả sinh hoạt tại chi đoàn.

Tham gia sinh hoạt cùng Chi đoàn tổ dân phố 8, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) mới thấy được không khí sôi nổi hào hứng của các bạn trẻ nơi đây. Mỗi buổi sinh hoạt, ngoài việc đánh giá tình hình hoạt động và triển khai kế hoạch, chương trình hành động sắp tới của Đoàn thì ĐVTN còn được tham gia các trò chơi thể hiện tinh thần đồng đội, luyện tập các bài dân vũ và giao lưu văn nghệ… Là một trong những thành viên tích cực tham gia các phong trào của Chi đoàn, bạn Lục Phương Nam chia sẻ: “Nếu trước đây, vốn là người nhút nhát, thường chỉ biết đứng nhìn mọi người vui chơi, ca hát trong những sinh hoạt tập thể thì bây giờ mình đã chủ động tham gia và còn vận động các bạn khác nữa. Ngoài những hoạt động, vui chơi, sôi nổi phù hợp với tuổi thanh niên Chi đoàn còn thường tổ chức những những hoạt động bổ ích như ra quân thu gom rác thải, xóa biển quảng cáo, rao vặt tại các tuyến đường trên địa bàn…”

ĐVTN chi đoàn Văn phòng Tỉnh Đoàn tham gia trò chơi Teambuiding.
ĐVTN chi đoàn Văn phòng Tỉnh Đoàn tham gia trò chơi Teambuiding.

Với chi đoàn thôn Buôn Triết (xã Du Kmăn, huyện Krông Ana), bên cạnh việc bảo đảm nội dung sinh hoạt theo chủ đề của từng tháng thì Ban Chấp hành Chi đoàn cũng đa dạng hóa hình thức sinh hoạt để phù hợp, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Chị Lã Thị Thanh Tuyền, Bí thư Chi đoàn thôn cho biết: “Xác định việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi đoàn tập trung đổi mới nội dung theo hướng đồng hành, chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của ĐVTN nên các buổi sinh hoạt thường xuyên được lồng ghép nhiều nội dung như: tư vấn nghề nghiệp việc làm, sức khỏe sinh sản vị thành niên, hay các hoạt động hỗ trợ vay vốn và  chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, qua đó giúp thanh niên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.

Có thể nhận thấy rằng, nếu chỉ tổ chức trong một không gian bó hẹp sẽ hạn chế sự năng động của thanh niên nên mỗi Chi đoàn tại cơ sở cần linh động cả về hình thức lần nội dung sinh hoạt, phải tạo cảm giác thích thú, phấn khởi cho ĐVTN mỗi khi tham gia. Đơn cử như Chi đoàn Văn phòng Tỉnh Đoàn, để tạo không khí sôi nổi, thi đua học tập, rèn luyện trong ĐVTN, vào các ngày lễ lớn, Ban Chấp hành thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động giao lưu với các chi đoàn bạn. Thông qua các cuộc thi, Teambuilding, về nguồn, dã ngoại không chỉ giúp nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt cộng đồng, ý thức về tính đoàn kết trong gia đình và xã hội mà còn giúp ĐVTN hiểu nhau hơn, biết hòa nhập vào tập thể, cùng chia sẻ những kinh nghiệm, cảm xúc của tuổi trẻ.

Tuy nhiên chất lượng hoạt động ở một số cơ sở Đoàn còn thấp, chưa thu hút được ĐVTN tham gia khi mà nội dung sinh hoạt còn khô cứng, chậm đổi mới, chưa có tính sáng tạo. Hơn nữa, các chi đoàn không duy trì chế độ sinh hoạt Đoàn thường xuyên, đội ngũ cán bộ Đoàn còn lúng túng thiếu kỹ năng hay việc thường xuyên thay đổi cán bộ cấp Chi đoàn đã tác động không nhỏ đến chất lượng hoạt động của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại cơ sở.Chị Nguyễn Thị Song Nữ, Phó Ban Tổ chức – Kiểm tra Tỉnh Đoàn cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 124.000 ĐVTN và gần 6.000 chi đoàn. Việc tổ chức các hoạt động tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện của ĐVTN sẽ thu hút họ đến gần, gắn bó hơn với tổ chức Đoàn – Hội. Đoàn cấp trên cũng nắm bắt được tư tưởng, mong muốn trong ĐVTN để điều chỉnh nội dung, hình thức hoạt động phù hợp”.

Hoạt động tại các Chi đoàn phải có sự đồng bộ về cách thức tổ chức và cần người “đầu tàu” có kỹ năng, nhiệt huyết để nâng cao chất lượng trong mỗi buổi sinh hoạt, qua đó tạo nền tảng và tính hấp dẫn để đoàn kết tập hợp thanh niên, phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.