Đừng để trẻ tiếp xúc quá sớm với công nghệ
Nhiều trẻ em chỉ mới 2 – 8 tuổi, nhưng đã sử dụng thành thạo laptop, smartphone. Thời đại công nghệ thông tin, phụ huynh vô tư để trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ cao, nhưng ít ai biết đó là điều lợi bất cập hại.
Lâu ngày mới gặp lại, nhưng bạn tôi đã than thở vì C. - đứa cháu mới học mầm non đã “nghiện” điện thoại hơn 1 năm nay. C. vốn còi cọc, hay ốm đau nên được bố mẹ cưng chiều hết mực, trong đó có thói quen được sử dụng điện thoại. Để C. thức dậy đúng giờ, chịu ăn cơm, học bài, nghe lời... người mẹ sắm luôn cái điện thoại riêng cho con dùng. Và cứ như được lập trình sẵn, sáng ngủ dậy, trưa học về, chiều, tối... C. đều “ngoan ngoãn” tập trung vào điện thoại mà không biết chán. Khi được bạn tôi nhắc nhở thói quen không tốt của C., thì mẹ cháu lại biện minh rằng, trẻ con mà, chúng thích thì phải chiều thôi…
Câu chuyện của C. không còn là trường hợp hiếm gặp trong xã hội hiện nay. Bởi rất nhiều gia đình sử dụng Ipad,
Iphone hay các dòng smartphone để... dỗ trẻ. Ngay ở các quán hàng ăn, cà phê, công viên... cũng dễ nhận thấy nhiều đứa trẻ say mê điện thoại, “bỏ quên” không gian rộng rãi, thoáng mát - nơi lý tưởng để chạy nhảy, vui đùa.
Thực tế, nhiều bậc phụ huynh vô tình gây “nghiện” công nghệ cho trẻ mà không biết. Nhiều khi ngồi cùng với nhau nhưng cả bố mẹ đều tập trung vào điện thoại, không ai giao tiếp với ai nên càng tạo “điều kiện” cho trẻ vòi vĩnh, đòi được sử dụng cùng... Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ còn cổ súy, khen ngợi trẻ thông minh, sử dụng “sành điệu” các thiết bị.
Trẻ em như búp trên cành, sự quan tâm, chuyện trò, tiếp xúc giữa cha mẹ và con cái không chỉ giúp trẻ phát triển nhanh hơn mà còn góp phần tăng cường sự gắn bó, gần gũi. Thực tế, việc sử dụng smartphone, Ipad... mang lại nhiều hữu ích trong cuộc sống, tuy nhiên quá lạm dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến mắt, gây đau đầu, tổn thương đến gáy, tay, cổ, thậm chí không cẩn thận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, tinh thần. Theo các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, tốt nhất nên tránh để trẻ sớm tiếp xúc với thiết bị công nghệ cao.
Để “cai nghiện” cho trẻ, cha mẹ cần làm gương, quan tâm, hỏi han con nhiều hơn, hạn chế việc sử dụng các thiết bị công nghệ trước mặt con; quản lý chặt chẽ thời gian sử dụng của con và hơn hết, cần cho trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa, vui chơi cùng bạn bè... để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện nhất.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc