09:55, 21/06/2016
Với những người làm báo, nhất là đối với những người thường xuyên viết về đề tài xã hội, đằng sau mỗi chuyến đi, trang viết luôn ẩn chứa nhiều tâm tư tình cảm; đặc biệt có những niềm vui, hạnh phúc bắt nguồn từ đề tài rất đỗi bình thường, giản đơn.
Với tôi, niềm hạnh phúc của người làm báo không phải chỉ là phản ánh kịp thời những vấn đề, sự kiện “nóng” được dư luận xã hội quan tâm; những thông tin mang lại hiệu ứng xã hội mà đôi khi đơn giản chỉ là bắt gặp một mô hình hay, nhân vật đặc biệt và cả khi cảm nhận được sức ấm nóng, vị mặn chát mồ hôi của những người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng…
Trong số đó, ấn tượng nhất có lẽ là người nông dân nghèo Sùng Vảng Lao (thôn Giang Đông, xã Ea Đah, huyện Krông Năng) đã nhận nuôi gần 20 đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh, mồ côi. Nếu như cuộc sống gia đình ông giàu có, không phải lo cái ăn, cái mặc thì việc nhận nuôi những đứa trẻ này cũng là điều dễ hiểu, nhưng ngược lại, hằng ngày ông phải vất vả cuốc cày trên mãnh đất bạc màu chỉ trồng được ngô, đậu để kiếm tiền trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt cho cả gia đình (kể cả 7 người con ruột và mẹ già). Những đứa con nuôi của ông, đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa thì vẫn còn bố hoặc mẹ, lại có đứa bố mẹ vẫn còn sống nhưng do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khổ, không đủ khả năng nuôi; đặc biệt có đứa được ông nhận nuôi từ khi còn đỏ hỏn. Dù khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ ông Lao nghĩ đến việc cho các con nghỉ học ở nhà lao động kiếm sống mà luôn tạo mọi điều kiện để tất cả đều được đến trường… Quả thật, khi đến tận nơi để gặp và cảm nhận tấm chân tình của ông Sùng Vảng Lao, tôi vừa thấy thương cho những đứa trẻ sớm chịu cảnh thiếu tình thương của cha mẹ, nhưng lại vô cùng khâm phục người nông dân nghèo có tấm lòng nhân hậu, bao dung; bởi tôi tin rằng, khi chúng lớn lên sẽ chẳng bao giờ quên ân tình người cưu mang mình qua những tháng ngày gian khổ.
|
Đại diện Báo Đắk Lắk trao tiền hỗ trợ của bạn đọc cho cháu Nguyễn Minh Quân. |
Trong những chuyến công tác ở cơ sở, ngoài thực hiện nhiệm vụ truyền tải, phản ánh tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị - xã hội của địa phương…, các phóng viên còn dùng ngòi bút để làm “cầu nối” đưa bạn đọc đến với những mảnh đời bất hạnh. Đó là hoàn cảnh của cháu Nguyễn Minh Quân (sinh năm 2009) ở buôn Dhung, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar bị bỏng nặng do vô tình để nước sôi đổ vào người (phóng viên Gia Thịnh phản ánh trên trên mục "Địa chỉ dành cho những tấm lòng vàng" Báo Đắk Lắk ngày 14-11-2012). Bị bỏng độ IV, tỷ lệ thương tật 83%, với các vết thương: sẹo co rút nách, phỏng nước sôi ở mặt và hai tay, phỏng da hoại tử, việc chữa trị cho cháu Quân gặp nhiều trở ngại vì hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bố mẹ cháu phải đi làm công nhân ở tận Bình Dương. Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều bạn đọc đã quan tâm, góp tiền ủng hộ cháu chữa trị. Số tiền bạn đọc hỗ trợ tuy chưa nhiều so với tổng chi phí chữa trị (trên 100 triệu đồng), nhưng với gia đình cháu Quân đó là sự động viên, sẻ chia của mọi người. Còn với những người làm báo, đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc nho nhỏ vì đã góp sức giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Không chỉ có thế, người làm báo còn có thêm niềm vui, cảm xúc riêng mỗi khi tác phẩm của mình góp ích cho cộng đồng. Đó là khi những bài viết về những tấm gương làm kinh tế giỏi được mọi người học hỏi và nhân rộng cách làm giàu; là những sản phẩm mới, hữu ích trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường… sau khi đăng tải nhận được sự quan tâm và tin dùng của xã hội hay nghị lực vượt khó của những cô, cậu bé mồ côi nỗ lực vươn lên trong học tập nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm… Cũng ít người biết rằng, để tạo nên những trang viết, người làm báo đã trải qua bao gian nan, thử thách, thậm chí là nguy hiểm và song hành với điều đó là tình yêu nghề, là niềm vui của những tác phẩm được đến với độc giả.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc