Khách hàng có còn là "thượng đế"?
Vào ngày 3-6, tại Sân bay Buôn Ma Thuột đã xảy ra sự cố bong tróc đường băng, khiến nhiều chuyến bay bị hủy. Sau 7 giờ đồng hồ, các sự cố đã được khắc phục, hoạt động bay trở lại bình thường. Tuy nhiên, một vấn đề gây bức xúc cho tất cả hành khách có chuyến bay đi vào ngày đó là không hề nhận được một thông báo, một sự hỗ trợ hay một lời xin lỗi nào từ đơn vị quản lý cũng như các hãng hàng không.
Ông N. (huyện Lắk) một hành khách có chuyến bay từ Buôn Ma Thuột – Hải Phòng bức xúc, nhà cách sân bay xa, ông phải thuê taxi đi từ sáng sớm cho kịp giờ làm thủ tục, song đến nơi mới biết được thông tin sân bay đóng cửa, hủy chuyến bay. Tính ra, tiền thuê taxi từ Lắk ra sân bay và quay ngược về nhà lại còn cao gấp mấy lần tiền vé máy bay mà ông mua bay ra Hải Phòng. Cũng may, do không có việc việc gì gấp nên ông chuyển bay sang ngày khác. Còn đối với những hành khách đành dời chuyến bay trong ngày phải lỉnh kỉnh đồ đạc thuê xe, phòng nghỉ tạm vừa mất thời gian, tiền của, có người chấp nhận ngồi vật vã ở phòng chờ cả mấy giờ đồng hồ.
Rõ ràng, khi bán vé, tất cả các phòng vé đều có số điện thoại của hành khách để tiện liên lạc khi có sự thay đổi về thời gian cất, hạ cánh của tàu bay hoặc những sự cố bất thường xảy ra. Thế nhưng, việc hủy, hoãn hàng loạt chuyến bay như trong trường hợp này mà các hãng không hề thông báo cho hành khách là một hành động thiếu trách nhiệm, xem thường “thượng đế”! Vẫn biết đây là sự cố ngoài ý muốn, hầu hết hành khách cũng cảm thông, nhưng họ vẫn băn khoăn rằng một lời xin lỗi đối với các hãng hàng không, đơn vị quản lý sân bay lại khó thế sao?
Thiết nghĩ, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các phương thức vận chuyển hành khách, hàng hóa, các đơn vị kinh doanh vận tải hàng không cần có cách ứng xử phù hợp để khách hàng cảm thấy hài lòng, thoải mái khi lựa chọn máy bay làm phương tiện đi lại.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc