09:53, 21/06/2016
Báo Đắk Lắk hiện có một đội ngũ cộng tác viên đông đảo công tác ở các lĩnh vực khác nhau. Yêu và đam mê viết báo đã thôi thúc họ tự khắc phục những khó khăn, sắp xếp thời gian để gắn bó với công việc vốn được gọi là nghề tay ngang, tay trái này…
|
Các phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội voi Buôn Đôn. Ảnh: Hoàng Gia |
Tính đến nay, anh Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch HĐND xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin đã 24 năm cộng tác với tờ báo của tỉnh nhà. Anh chia sẻ: Những ngày đầu tập tành viết báo, anh gặp phải rất nhiều khó khăn, lúng túng do chưa có kinh nghiệm viết và kỹ năng tác nghiệp. Anh không biết mình nên bắt đầu từ đâu, khai thác thông tin như thế nào, thậm chí nhiều khi còn cảm thấy bế tắc vì ngôn từ quá hạn hẹp, ý và từ không thể nào toát lên hết những điều muốn thể hiện. Do vậy nhiều tin, bài anh viết, chuyển về cho bộ phận biên tập hầu như không sử dụng được, đôi lúc anh cũng thấy nản lòng. Nhưng niềm đam mê nghề viết đã thôi thúc anh tự tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm thu thập thông tin và cách thể hiện bài viết. Anh kể: “Tôi còn nhớ lần đầu tiên Báo Đắk Lắk đăng tấm hình của tôi, đó là tấm ảnh chụp về hoa quỳnh, đăng chung với một bài thơ của một tác giả khác (vào khoảng thời gian giữa năm 1992). Cầm tờ báo có đăng tác phẩm của mình, tôi rất xúc động và cảm thấy yêu quý công việc mà mình đang làm biết bao”. Mặc dù công việc ở xã bộn bề nhưng “Vì yêu nghề viết báo mà không thể bỏ được, hằng ngày tôi vẫn tranh thủ thời gian đi xuống các địa phương, về các thôn, buôn trực tiếp gặp gỡ, khảo sát nắm bắt thông tin để tổng hợp viết bài và đó cũng là cách để sâu sát hơn với cơ sở, phục vụ tốt hơn công việc, chức trách đang đảm nhận”, anh Khanh tâm sự.
Nhắc đến cái tên Trương Tử Kỳ, bạn đọc của Báo Đắk Lắk thường nhớ đến những bài viết về các tư liệu lịch sử hoặc những bài viết về vấn đề chính luận với những phân tích, góp ý rất sâu sắc. Là một nhà giáo nghỉ hưu, ông đến với Báo Đắk Lắk một cách rất tình cờ từ một lần đi tìm tư liệu lịch sử và phát hiện những thông tin rất thú vị trên báo. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn đều đặn viết bài cho báo. Và dù khoa học công nghệ phát triển, hầu hết các bản thảo gửi đến đều được đánh máy, chuyển qua hộp thư điện tử nhưng với riêng vị cộng tác viên đặc biệt này thì vẫn là những bản thảo viết tay, có những bản thảo dài đến 4-5 trang. Điều đó càng khiến các biên tập viên của Báo khâm phục và trân trọng sự tâm huyết, trăn trở của người viết. Niềm đam mê với nghề viết của ông còn truyền lửa sang cả con gái và cả con rể. Đó là chị Trương Thị Hiền với những bài suy ngẫm, bình luận rất sâu sắc; là anh Nguyễn Minh Thuận ở Sở Tư pháp, đơn vị đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với tòa soạn trong chuyên mục Tìm hiểu pháp luật của số Báo Đắk Lắk cuối tuần.
|
Cộng tác viên vui mừng khi thấy tác phẩm cộng tác của mình đăng trên Báo Đắk Lắk. |
Tư liệu cuộc sống ngồn ngộn ở cơ sở đã đánh thức ước mơ trở thành nhà báo của anh cán bộ xã Mai Viết Tăng (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông). Bài báo đầu tiên anh viết đã được Báo Đắk Lắk đăng ngay, đến nay những bản thảo của các bài báo đầu tiên như “Tấm lòng người mẹ”, “Nỗi đau của một con đường” vẫn được anh lưu giữ. Các bài báo của anh đầy ắp hơi thở cuộc sống, phản ánh rất đa dạng đề tài ở cơ sở với những vấn đề thiết thân, nổi cộm, những tấm gương người tốt – việc tốt ở địa phương. Một số bài báo của anh đã nhận được phản hồi rất tốt, như bài “Người dân thôn 5 Hòa Lễ rất cần điện” đăng trên Báo Đắk Lắk năm 2013 đã được Điện lực Đắk Lắk ghi nhận và chỉ 3 tháng sau đó địa phương này đã được mắc điện. Những niềm vui như thế càng khiến anh thấy việc làm của mình ý nghĩa hơn.
Độc giả đều biết Minh Nhật (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là tác giả của các bài báo viết về những cảnh đời éo le, bất hạnh; những gương sáng nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, số phận để học tập và lao động tốt. Nhưng ít người biết rằng cộng tác viên này là một nông dân chất phác và hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai người phụ nữ thiếu bờ vai người đàn ông trụ cột trong gia đình. Trách nhiệm, lương tâm của một người có tấm lòng nhân ái khiến chị không thể làm ngơ khi biết và gặp một đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, bị não úng thủy; một cụ già neo đơn không nơi nương tựa sống dưới gầm của nhà văn hóa cộng đồng; thậm chí cả một thanh niên bị nhiễm HIV giai đoạn cuối nằm vật vờ bên vỉa hè… Có vài đồng lẻ bán rau có được, chị lại mua cho họ cái bánh ăn cho ấm bụng; chiếc áo, cái chăn dùng tạm. Đây cũng chính là những nhân vật trong các bài viết của chị. Có người bảo viết báo để có thêm thu nhập nhưng chị chỉ cười bởi chúng tôi biết chị viết vì đam mê và cũng để qua trang báo có thể kêu gọi được nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ những cảnh đời kém may mắn. Không đam mê thì có lẽ sẽ chẳng có chuyện một nông dân như chị, sau một ngày vất vả, lấm lem với bùn đất, đêm đến chong đèn hí hoáy viết rồi tiện đường đi bán rau ngoài chợ lại ghé tòa soạn để gửi bài cộng tác.
Họ thấy hạnh phúc vì đã yêu thêm nghề báo, còn chúng tôi lại thêm trân trọng họ - những cộng tác viên thân yêu. Cảm ơn những tấm lòng và sự đam mê nghề viết của họ, bởi nhờ đó mà tòa soạn có thêm những cánh tay nối dài về cơ sở, thêm những thông tin trong muôn mặt cuộc sống này.
Đàm Hồng
Ý kiến bạn đọc