Multimedia Đọc Báo in

Người cộng tác viên dân số tận tâm

08:38, 22/06/2016
Năm 1985, buôn Cao Bằng (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) được thành lập với 100% dân số là người dân tộc Tày di cư từ phía Bắc vào làm ăn sinh sống.
 
Gắn bó với buôn Cao Bằng nhiều năm, chị Đàm Thị Nga đã chứng kiến nhiều em gái phải bỏ học sớm, lấy chồng rồi sinh đông con vì phải “sinh con trai để nói dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên” khiến cuộc sống nghèo đói và túng thiếu, trẻ em không được chăm sóc tốt. Bản thân chị sau khi lấy chồng đã thuyết phục chồng chỉ sinh 2 con để có điều kiện phát triển kinh tế và chăm sóc các con ăn học đến nơi đến chốn.
 
Năm 2002, chị Nga tự nguyện làm cộng tác viên dân số của buôn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng về truyền thông, tư vấn; tự tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu trau dồi chuyên môn về dân số. Hằng tháng, chị xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đoàn thể trong buôn lồng ghép tuyên truyền các chủ trương chính sách về dân số-KHHGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới… đồng thời tham mưu kịp thời với Ban Dân số xã Đắk Phơi tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên-thanh niên, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Buổi tối, chị Nga tranh thủ đến từng nhà để tư vấn về cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai hiện đại, lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, khám sức khỏe trước khi kết hôn... Với những ông chồng “khó tính, bảo thủ”, chị Nga khéo léo phân tích cho họ hiểu về nỗi khổ của người phụ nữ trong những lần mang nặng đẻ đau; vận động họ chia sẻ trách nhiệm thực hiện kế hoạch hóa gia đình và nuôi dạy con cái, không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái…
Cộng tác  viên dân số xã Đắk Phơi đang tư vấn về kế hoạch hóa  gia đình  cho  chị em.
Cộng tác viên dân số xã Đắk Phơi đang tư vấn về kế hoạch hóa gia đình cho chị em.

Buôn Cao Bằng hiện có 117 hộ với 547 khẩu, trong đó có 103 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Với sự nhiệt tình, tận tâm, chị Nga đã góp phần giúp công tác dân số-KHHGĐ của buôn có kết quả cao: suốt 4 năm liền (từ năm 2012 đến 2015) buôn không có người sinh con thứ 3 trở lên, không còn tình trạng tảo hôn; 70% gia đình có kinh tế khá, giàu; 80% gia đình văn hóa… Ý thức của người dân trong buôn về xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình no ấm, hạnh phúc đã được nâng lên rất nhiều; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã giảm hẳn; tình trạng tảo hôn, cưới hỏi mà nhà gái thách cưới nặng nề đối với nhà trai không còn tồn tại. 

 
Không chỉ làm tốt công tác dân số, chị Nga còn là một cộng tác viên y tế năng động. Hằng tháng, chị tổ chức các buổi truyền thông về làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn nấu cháo dinh dưỡng, cách cho trẻ ăn… Đồng thời, chị còn dành thời gian từ 3-4 buổi đi cân trẻ, tư vấn các bà mẹ tận dụng những thực phẩm tại chỗ nấu cho trẻ ăn để trong buôn không có cháu nào bị suy dinh dưỡng. Ngoài công tác dân số và y tế, chị Nga còn là 1 trong 4 tổ trưởng tổ vay vốn của buôn Cao Bằng. Đến nay, tổ của chị đã tạo điều kiện cho 18 gia đình vay gần 450 triệu đồng để trang trải cuộc sống và đầu tư sản xuất kinh doanh. 
 
Nhiều năm liền, chị Nga được khen thưởng về thành tích trong công tác dân số - KHHGĐ. Đặc biệt, năm 2015 chị vinh dự được Tổng cục Dân số-KKHHGĐ tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân số-KHHGĐ”.
 
Thảo Nguyên
 

Ý kiến bạn đọc