10:00, 21/06/2016
Đến giờ tôi còn nhớ như in về chuyến tác nghiệp vào xã vùng sâu Ea Kuếh (huyện Cư M’gar). Giữa năm 2009 lần đầu tiên tôi tìm đến xã Ea Kuếh để tìm hiểu về tình trạng sử dụng, mua bán chất ma túy và viết mô hình các bạn trẻ làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Lúc đi, trời nắng ráo, hành trình từ Buôn Ma Thuột vào Ea Kuếh khoảng 50 cây số, mặc dù là đường đất nhưng được chỉ dẫn nhiệt tình của những người đi đường nên mọi việc khá thuận lợi. Do đã hẹn, đặt nội dung làm việc từ trước nên khi đến gặp chính quyền địa phương cũng như các các nhân, tôi được giúp đỡ, tạo điều kiện rất tận tình trong việc lấy tư liệu, thông tin phục vụ cho bài viết.
Bản thân rất phấn khởi bởi sự nhiệt tình của cán bộ, người dân địa phương (mặc dù khi đó tôi chỉ là một phóng viên mới vào nghề). Khi mới dắt xe ra khỏi UBND xã để về phố, trời chuyển mưa đột ngột, một màu đen xám xịt phủ khắp vùng trời. Mỗi lúc mưa càng nặng hạt hơn, con đường đất từ xã Ea Kuếh ra xã Ea Kiết càng trở nên lầy lội, trơn trượt hơn bao giờ hết, chỉ những thanh niên vững tay lái mới dám đi xe trên đường này. Bụng nghĩ thầm, đêm nay phải ở lại đây là cái chắc. Lúc đang loay hoay không biết nên làm thế nào thì Y Nhân Niê (một thanh niên được tôi phỏng vấn trong buổi làm việc lúc sáng) lại vỗ vai thân mật “phóng viên nóng ruột muốn về nhưng không dám vì đường trơn phải không”, tôi cũng đáp lại “Đúng rồi anh”. Y Nhân bảo chờ anh 5 phút. Không hơn không kém, đúng 5 phút sau, Y Nhân cùng với một thanh niên khác trong buôn và 1 chiếc Honda cũng khá cũ kỹ bảo tôi ngồi lên xe, còn xe của tôi để bạn anh điều khiển. Thế là 3 anh em cùng vượt qua đoạn đường đất chừng 7 cây số, chốc lát chiếc tay ga của tôi phải dừng lại để khều bùn ra mới đi được. Nhiều lần xe trượt ngang, tôi đòi xuống xe nhưng Y Nhân bảo phóng viên cứ ngồi, không té đâu mà sợ. Cuối cùng cũng vượt qua quãng đường đất, mặc dù trời mưa nhưng người tôi vã đầy mồ hôi vì sợ té. Từ lần này, tôi, Y Nhân và bạn anh trở thành những người bạn chứ không đơn thuần chỉ là mối quan hệ giữa phóng viên và nhân vật trong bài viết.
|
Phóng viên Báo Đắk Lắk phỏng vấn nông dân huyện Krông Ana. |
Mới đây, trong lần đi tác nghiệp ở một sự kiện chính trị quan trọng là bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại huyện Ea Kar, do đường xa cách thành phố hơn 60 cây số, để chủ động về thời gian nên 5 giờ sáng tôi đã chuẩn bị sẵn phương tiện, máy ảnh, sổ ghi chép để lên đường. Đúng 6 giờ 30 tôi có mặt tại Trung tâm văn hóa huyện để ghi nhận không khí tổ chức ngày hội bầu cử tại địa phương. Do tính chất quan trọng của ngày bầu cử, việc phóng viên ghi hình, lấy tư liệu trong sự kiện trọng đại này không phải dễ dàng. Mặc dù rất bận rộn với công tác tổng hợp, báo cáo số liệu, diễn biến xung quanh sự kiện bầu cử, nhưng một cán bộ văn phòng huyện vẫn rất tận tình với phóng viên. Sau khi tôi trình bày, mong muốn đi đến một xã vùng xa của huyện, anh đã không chần chừ và nhận lời làm “bác tài” ngay. Từ trung tâm huyện đến xã Ea Đar hơn 10 cây số, điện thoại anh lúc nào cũng réo lên vì các tổ, cụm bầu cử trong huyện gọi về báo cáo tiến độ bầu cử. Để không làm ảnh hưởng đến công việc của anh, nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời gian sớm nhất, xuống tận cơ sở tôi nhanh chóng vào việc chọn đối tượng phỏng vấn, chụp hình, lấy thông tin. Lúc ra về, hai anh em, mỗi người mỗi việc, chỉ kịp chào nhau một tiếng, cùng với câu nói “nặng chất nghiệp vụ báo chí” của tôi với anh cán bộ huyện “quá trình viết tin, bài nếu thiếu thông tin gì em sẽ alô anh sau nhé”. Kể từ lần tác nghiệp đó, anh trở thành người bạn của tôi, mỗi lần có thông tin hay sự kiện liên quan đến địa phương, anh thường báo tin để tôi đến địa phương, tìm hiểu viết tin, bài.
Hành trình tác nghiệp, ngoài mục đích phải lấy được tư liệu thông tin phục vụ cho việc viết tin, bài, mỗi phóng viên chúng tôi lại có thêm những người bạn, họ có thể là những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm gắn bó với nương rẫy, cũng có thể là những già làng trưởng buôn tại vùng đồng bào DTTS, thậm chí là giám đốc của một sở, ngành, doanh nghiệp hay cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị nào đó. Được gặp gỡ, làm quen và giữ mối quan hệ với những người là “thổ công” của một địa hạt, địa bàn - đó cũng là niềm vui, niềm tự hào của cánh phóng viên khi khởi đầu một chuyến đi của người làm báo.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc